Lạm dụng đồ uống ngọt, nước tăng lực có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, sâu răng hoặc nguy cơ các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Dịp lễ Tết, trong các bữa ăn và đãi khách, mọi người thường bày bia, rượu và nước ngọt. Đặc biệt, nhiều trẻ em được ăn uống thỏa thích, trong đó có nhiều đồ uống chứa hàm lượng đường rất cao. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc tiêu thụ đồ uống có đường là tác nhân dẫn đến thừa cân, béo phì, nguy cơ sâu răng, bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Một số trẻ có nguy cơ không dung nạp đường, dễ phát sinh bệnh tiểu đường.
"Uống 354-704 ml đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn bình thường 26%, nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa cao hơn 20%", TS.BS Huỳnh Nam Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói.
Đơn cử hồi năm 2022, bé gái 13 tuổi, ngụ Cà Mau, uống nhiều nước ngọt dịp Tết, có ngày uống 3-4 chai 1,5 lít, sụt 10kg trong ba ngày, được bác sĩ phát hiện bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ. TS Phương dẫn chứng một nghiên cứu ở Hy Lạp cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên tiêu thụ đồ uống có đường nguy cơ béo phì cao hơn 2,57 lần so với không uống. Kết quả điều tra sức khỏe học sinh, sinh viên năm 2019 của WHO tại Việt Nam cho thấy 34% học sinh 13-17 tuổi sử dụng nước ngọt có ga ít nhất một lần trong ngày. Điều tra tương tự vào năm 2013, cũng của WHO, tỷ lệ này là 30%.
Giải thích về cơ chế gây béo phì, bác sĩ Phương cho biết đồ uống có đường ở dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng. Khi ấy, cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng.
Đa số loại đồ uống này chứa đường fructose hoặc chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học), kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate, tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.
"Uống nhiều đồ uống có đường thì tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì", bác sĩ Phương giải thích, thêm rằng sử dụng nhiều đồ ngọt còn làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin.
WHO ghi nhận trung bình một người Việt tiêu thụ 46,5 g đường tự do mỗi ngày, cao gấp đôi khuyến cáo, tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 10 lần trong hai thập niên. Cụ thể, năm 2002 trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường, đến năm 2021, con số này là 55,78 lít.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của WHO tại Việt Nam, cho rằng mức tiêu thụ đường tăng là do nhiều người Việt thích dùng đồ uống có đường, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi.
WHO khuyến cáo người lớn và trẻ em cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê/ ngày (kể cả uống) sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Ngoài ra, Việt Nam cần có chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm; kiểm soát quảng cáo, nhất là với trẻ em; can thiệp dinh dưỡng trong trường học; đánh thuế đối với đồ uống có đường. Cộng đồng cũng cần nâng cao nhận thức trong lựa chọn đồ uống lành mạnh.
Trong đó, WHO khuyến cáo áp thuế đồ uống có đường được coi là chính sách hiệu quả nhất giúp giảm tiêu thụ loại đồ uống này để phòng chống các bệnh không lây nhiễm liên quan. Trên thế giới, chính sách áp thuế đối với đồ uống có đường hiện được áp dụng tại 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam hiện chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
|
|