Nếu không tuân thủ liều lượng sắt cần uống là bao nhiêu thì bạn có nguy cơ thiếu sắt hoặc thừa sắt, đều rất nguy hiểm cho sức khỏe, bởi việc bổ sung sắt đúng thời điểm, đúng liều lượng sẽ giúp quá trình tạo máu diễn ra tốt nhất cho cơ thể .
Sắt cần thiết cho cơ thể để tạo máu, giúp mọi đối tượng từ trẻ đến già, từ nam đến nữ sống khỏe mạnh, phát triển tốt. Tuy nhiên, uống sắt ở thời điểm nào trong ngày để bơm máu vào cơ thể tốt nhất, liều lượng sắt cần dùng cho mỗi đối tượng cụ thể ra sao... thì ít ai nắm rõ.
Theo giới chuyên gia, việc bổ sung sắt đúng thời điểm, đúng liều lượng sẽ giúp cơ thể hấp thu trọn vẹn, quá trình tạo máu diễn ra tốt nhất. Nếu không tuân thủ thì bạn có nguy cơ thiếu sắt hoặc thừa sắt, đều rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Uống sắt ở thời điểm nào trong ngày mới bơm máu cho cơ thể tốt nhất?
Theo ThS.DS Trương Minh Đạt (Chuyên gia hàng đầu về Tiêu hóa, Hô hấp và Sữa cho trẻ em, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Y dược) cho biết, nói về thời điểm uống sắt tốt nhất, nhiều người cho rằng dùng ngay sau khi ngủ dậy, đợi 30 phút thì mới ăn. Nhiều người lại uống sắt sau khi ăn 30 phút... Điều này khiến chuyên gia vô cùng bất ngờ bởi đây đều không phải những thời điểm uống sắt tốt nhất.
ThS.DS Trương Minh Đạt chỉ rõ thời điểm vàng nên uống sắt: "Chúng ta cần uống sắt sau khi ăn xong 2 giờ, vào giữa buổi sáng, ví dụ bạn ăn sáng vào lúc 7 giờ thì 9 giờ sáng sẽ bổ sung, sau đó đợi ít nhất 2 giờ nữa mới nên ăn bữa tiếp theo".
Trong thức ăn có rất nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất có thể cản trở việc hấp thụ sắt. Bổ sung sắt vào đúng thời điểm, thời gian nêu trên sẽ giúp sắt được hấp thụ tối đa.
Nếu bạn uống sắt trước khi ăn 30 phút thì sau khoảng thời gian này, sắt vẫn còn trong đường tiêu hóa. Bạn nạp thức ăn vào thì tất nhiên sẽ xảy ra hiện tượng cản trở hấp thụ sắt.
Để bơm máu vào cơ thể tốt nhất, bạn hãy ghi nhớ thời điểm vàng uống sắt theo khuyến cáo này của bác sĩ nhé!
Vậy, liều lượng uống sắt theo độ tuổi hay đối tượng cụ thể ra sao?
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2011 có khoảng 300 triệu trẻ em trên toàn cầu bị thiếu máu. Nhóm đối tượng này cần bổ sung đầy đủ sắt, nhất là trong 5 năm đầu đời. Cụ thể:
- Trẻ từ 1-3 tuổi cần khoảng 7mg sắt mỗi ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 10mg sắt mỗi ngày.
Thông thường, trẻ có thể bổ sung đủ sắt thông qua khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng những trẻ sinh non, suy dinh dưỡng còi xương thì cần bổ thêm sắt mỗi ngày. Dù sao, bạn cũng cần uống đúng khuyến cáo trên bao bì hoặc tốt nhất là có thêm sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng cho tình trạng cụ thể của con mình.
Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người già không nên dùng dạng viên mà dùng sắt dạng giọt hoặc siro để dễ uống, dễ hấp thu hơn. Lưu ý tuân thủ đúng chỉ dẫn về liều lượng số giọt theo đúng hướng dẫn sử dụng trên bao bì đối với từng độ tuổi, hoặc tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai
Đặc biệt, phụ nữ mang thai là đối tượng thường bị thiếu máu thiếu sắt nhất, vì lúc này nhu cầu sắt của mẹ gấp đôi so với người bình thường. Cụ thể:
- Mẹ nên bắt đầu uống viên sắt từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng sau đẻ.
- Uống theo đúng liều lượng được bác sĩ khuyến cáo sau xét nghiệm máu định kỳ.
- Nên uống thêm nước cam, nước chanh hoặc vitamin C giúp tăng hấp thụ sắt cho cơ thể.
Đối với người lớn, trẻ vị thành niên
Người lớn và trẻ thành niên cũng nên bổ sung sắt hằng ngày, với liều lượng 1 viên cố định 1 ngày trong mỗi tuần và uống liên tục trong 3 tháng/năm.
Đối với người lớn, hàm lượng sắt cao nhất mà bạn có thể tiêu thụ một cách an toàn mỗi ngày là 40-45 mg, không nên vượt quá liều lượng trên vì sẽ gây dư thừa sắt trong cơ thể.
Mặc dù vậy, đừng quên chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bổ sung sắt cho cơ thể. Mọi người cần duy trì ăn uống lành mạnh, cân bằng nhóm thực vật và động vật, ăn tăng cường thực phẩm màu đỏ để bổ sung sắt, giảm tình trạng thiếu máu.