Hôm nay (28/7), Mỹ cho biết sẽ cải tổ bộ chỉ huy quân sự của họ tại Nhật Bản để tăng cường phối hợp với các lực lượng đồng minh, trong bối cảnh cả hai nước đều coi Trung Quốc là 'thách thức chiến lược lớn nhất' ở khu vực, Reuters đưa tin.
Hạm đội 7 của Mỹ tiến hành tập trận chung trên tàu USS Carl Vinson và tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Nhật Bản ở Thái Bình Dương, tháng 11/2023. (Ảnh: Reuters)
Thông báo được đưa ra sau các cuộc hội đàm tại Tokyo giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với hai bộ trưởng đồng cấp Nhật Bản là Yoko Kamikawa và Minoru Kihara.
Tuyên bố nêu rõ, "bộ chỉ huy lực lượng phối hợp" sẽ hỗ trợ năng lực tương tác cao hơn với các lực lượng vũ trang của Nhật Bản và được triển khai song song với kế hoạch của riêng Tokyo nhằm thành lập một bộ chỉ huy phối hợp nhằm giám sát các lực lượng của họ vào tháng 3.
Việc nâng cấp bộ chỉ huy Mỹ tại Nhật Bản là "một trong những diễn biến quan trọng nhất trong lịch sử liên minh của chúng ta", ông Austin nói với các phóng viên trước khi cuộc đối thoại bắt đầu.
Việc cải tổ này là một trong những biện pháp được triển khai nhằm đối phó với điều mà Washington và Tokyo gọi là "môi trường an ninh đang thay đổi", nhấn mạnh những mối đe dọa từ Bắc Kinh.
"Chúng tôi tiếp tục thấy Trung Quốc thực hiện hành vi cưỡng ép và cố thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, xung quanh Đài Loan (Trung Quốc) và trên khắp khu vực", ông Austin nói.
Tuyên bố chỉ trích những điều mà các bên gọi là hành động "khiêu khích" của Bắc Kinh trên biển, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc với Nga và việc Bắc Kinh mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của họ.
Bộ ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Trong tuyên bố, các bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản cho rằng "chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là tìm cách định hình lại trật tự quốc tế vì lợi ích của riêng mình bằng cách gây tổn hại cho nước khác".
"Hành vi như vậy là mối quan ngại nghiêm trọng đối với liên minh và toàn bộ cộng đồng quốc tế và gây ra thách thức chiến lược lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa", tuyên bố nêu rõ.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản cũng thảo luận về "răn đe mở rộng", một thuật ngữ được sử dụng để nói về cam kết của Mỹ trong việc sử dụng lực lượng hạt nhân của mình để bảo vệ các đồng minh.
Đây là chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản, quốc gia chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân và là nơi duy nhất từng bị tấn công bằng bom nguyên tử.
"Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng. Để bảo vệ toàn diện trật tự quốc tế hiện tại, chúng ta cần liên tục củng cố liên minh và tăng cường sức mạnh răn đe”, Bộ trưởng Kamikawa nói với các phóng viên khi bắt đầu cuộc hội đàm.
Mỹ có một căn cứ ở Nhật Bản để duy trì hiện diện quân sự ở châu Á. Đó là nơi đồn trú 54.000 quân nhân Mỹ, cùng hàng trăm máy bay và một nhóm tác chiến tàu sân bay.
Với mối lo ngày càng lớn về Trung Quốc và Triều Tiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản thực hiện những thay đổi đáng kể về quân sự. Năm 2022, Nhật Bản công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội.
Một quan chức Mỹ cho biết trong cuộc họp báo trước hội đàm, rằng bộ chỉ huy mới của Mỹ tại Nhật Bản sẽ do một vị tướng 3 sao đứng đầu. Tuyên bố sau hội nghị không đề cập đến nội dung này.
Hai Bộ trưởng Austin và Kihara cũng có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik, để ký một thỏa thuận nhằm "thể chế hóa" hợp tác ba bên thông qua những hoạt động như chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực và các cuộc tập trận quân sự chung.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kéo Tokyo và Seoul xích lại gần nhau, khép lại những mâu thuẫn về vấn đề lịch sử.
"Bản ghi nhớ này củng cố hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, tạo nên mối quan hệ đối tác không thể lay chuyển, bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào", Bộ trưởng Kihara nói với các phóng viên sau cuộc họp ba bên.
Sản xuất vũ khí
Washington cũng muốn tận dụng ngành công nghiệp Nhật Bản để giảm bớt áp lực lên các hãng sản xuất vũ khí của Mỹ, để đáp ứng nhu cầu vũ khí từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
Tokyo và Washington đang thực hiện nhiều hợp tác khác nhau trong lĩnh vực này, bao gồm thúc đẩy hoạt động sản xuất tên lửa, phục hồi chuỗi cung ứng và hỗ trợ hoạt động sửa chữa tàu và máy bay.
Tuy nhiên, dự án chủ chốt là sử dụng các nhà máy của Nhật Bản để sản xuất tên lửa phòng không Patriot đang bị trì hoãn do thiếu một thành phần quan trọng do Boeing sản xuất, Reuters đưa tin.
Sau khi rời Tokyo, ông Blinken và ông Austin sẽ có cuộc đối thoại an ninh với một đồng minh khác của Mỹ ở châu Á là Philippines.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Lào ngày 27/7, Ngoại trưởng Blinken nhắc lại rằng Washington và các đối tác muốn duy trì một "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", thông cáo của Mỹ cho biết.