Số liệu mới nhất cho thấy GDP Đức giảm quý thứ hai liên tiếp, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Đức hôm 25/5 thông báo GDP quý I sau điều chỉnh của nước này giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý IV/2022, quy mô nền kinh tế này đã co lại 0,5%.
Vì vậy, trên lý thuyết, Đức đã rơi vào suy thoái. Trước đó, ước tính sơ bộ cho thấy GDP Đức đứng yên trong quý I.
Tiêu dùng hộ gia đình giảm 1,2% trong quý I so với quý trước đó. "Sự lưỡng lự chi tiêu của các hộ gia đình thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Họ tiêu ít hơn cho đồ ăn, thức uống, quần áo, giày dép, đồ nội thất. Họ cũng mua ít xe điện hơn khi các ưu đãi bị rút dần", thông báo của Văn phòng Thống kê Đức cho biết.
Cơ quan này đánh giá lạm phát vẫn đang là gánh nặng với nền kinh tế. Theo Ngân hàng Trung ương Đức, lạm phát nước này vẫn trên 7% và khó hạ nhanh khi lương nhân công tăng đang gây sức ép lên giá cả.
Nỗ lực đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể khiến nhu cầu yếu thêm. Chi phí vay ngân hàng tại Đức đang ngày càng đắt đỏ và quá trình nâng lãi của ECB vẫn chưa hoàn tất. Việc này có thể khiến tăng trưởng bị kéo tụt.
Lĩnh vực sản xuất – vốn đóng vai trò chủ chốt trong kinh tế Đức – sẽ chịu tác động lớn nhất. Nếu kinh tế Đức suy yếu thêm, khả năng hồi phục của ngành này trong vài quý tới sẽ mong manh hơn.
Quý I, chi tiêu của chính phủ cũng đi xuống. Tuy nhiên, đầu tư của quý này lại tăng sau khi suy giảm trong nửa cuối năm ngoái, một phần nhờ hoạt động xây dựng trong mùa đông ấm bất thường.
Số liệu hôm nay là bước lùi với Đức, dù nước này đã thoát kịch bản u ám nhất mà giới phân tích đưa ra do hậu quả từ xung đột Nga – Ukraine. Hồi tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz còn tuyên bố ông tin tưởng Đức không rơi vào suy thoái, dù giá năng lượng và lương thực tăng vọt vì chiến sự tại Ukraine.
VietBF@sưu tập
|