10/04/19
Vụ kiện kéo dài 15 năm giữa hai ông khổng lồ của ngành công nghiệp chế tạo máy bay thế giới Boeing-Airbus bắt đầu tới hồi kết.
REUTERS/Regis Duvignau/File Photo
Tòa án trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO/OMC) ngày 02/10/2019 cho phép Mỹ ghi được một bàn thắng quan trọng, khi nhìn nhận châu Âu cạnh tranh bất bình đẳng.
Chính sách trợ giá của châu Âu gây thiệt hại 7,5 tỷ đô la cho đối thủ Boeing.
Nhưng trên nguyên tắc, đến mùa xuân sang năm, cũng trên vụ kiện này, phần thắng sẽ nghiêng về tập đoàn Airbus của châu Âu.
Ở Nhà Trắng, tổng thống Trump hoan nghênh phán quyết của WTO, một tổ chức ông từng cho là lỗi thời và đòi rút nước Mỹ ra khỏi.
Tại Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi "thương lượng" tránh gây thiệt hại cho cả đôi bên.
Bởi vì nếu phán quyết của WTO được áp dụng đến cùng, tập đoàn Airbus sẽ bị cấm cửa thị trường năng động nhất.
Thế nhưng đồng thời, chỉ cần Washington đánh thuế 10 % vào máy bay Airbus, các hãng hàng không Mỹ cũng sẽ lao đạo, vì sẽ phải mua máy bay Airbus với cái giá đắt hơn trong lúc Boeing không đủ sức đáp ứng nhu cầu nội địa.
Đó là chưa kể Airbus có cơ sở tại 40 tiểu bang ở Hoa Kỳ, trong đó có nhà máy lắp ráp tại bang Alabama.
Cũng Airbus còn bảo đảm công ăn việc làm cho 375.000 người lao động Mỹ.
Vào mùa tranh cử, không chắc chính quyền Trump xem nhẹ yếu tố này.
Về phía châu Âu, ngành hàng không và công nghiệp máy bay cũng không thể phát triển nếu thiếu Boeing.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát đều lưu ý rằng, phán quyết của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới liên quan đến hai ông khổng lồ Boeing và Airbus được đưa ra trong bối cảnh đặc biệt.
Thứ nhất, tổng thống Trump chuẩn bị tái tranh cử và ông tiếp tục khai thác lập luận khá dễ hiểu đối với thành phần cử tri ủng hộ ông : đó là "đánh thuế vào hàng nhập khẩu của nước ngoài cho phép nước Mỹ thu về hàng tỷ đô la, bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ".
Thứ hai là xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ một năm rưỡi qua vẫn chưa ngã ngũ, và chưa đem lại những thành quả cụ thể nào như chính quyền Trump mong đợi.
Thành thử phán quyết có lợi cho Washington trên hồ sơ vụ kiện Airbus cho phép chủ nhân Nhà Trắng khoe thành tích với công luận Mỹ cho dù vụ kiện Boeing-Airbus đã được khởi động từ năm 2004.
Hơn thế nữa với phán quyết ngày 02/10/2019 của WTO, Washington được quyền đánh thuế vào 7,5 tỷ đô la hàng của châu Âu, bán sang Hoa Kỳ.
Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn một danh sách dài những "đối tượng" nằm trong tầm ngắm.
Trong số này bao gồm từ phó mát của Ý đến rượu vang Pháp, từ rượu mạnh của Anh đến máy móc của Đức sử dụng cho công nghiệp.
Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Trump tuyên chiến về thương mại với cả những đồng minh chiến lược thân thiết nhất của Hoa Kỳ, dọa từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và đương nhiên là Liên Hiệp Châu Âu.
Phán quyết của tòa án trọng tài WTO cho phép Washington có thêm củi lửa để mở thêm một mặt trận mới trong chiến tranh mậu dịch với các đồng minh châu Âu.
Càng gặp khó khăn về đối nội trước đe dọa bị truất phế, Trump càng quyết liệt hơn trên mặt trận thương mại.
Chiến tranh mậu dịch do Nhà Trắng tiến hành càng gay gắt hơn. Đối với Bruxelles, đây cũng là một mối đau đầu vào lúc kinh tế Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức, nghiêm trọng hơn cả là ẩn số Brexit.
Trong mọi trường hợp, phán quyết vừa qua của WTO trên hồ sơ Boeing - Airbus có thể dẫn tới hai hậu quả khó lường : một là vô hình chung, khi phạt hai nhà sản xuất máy bay truyền thống Âu Mỹ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tạo cơ hội cho tập đoàn Comac của Trung Quốc nhập cuộc.
Nay đã là một cường quốc về kinh tế, chắc chắn Bắc Kinh không chấp nhận để mãi mãi là công ty gia công cho Boeing và Airbus trong lĩnh vực chế tạo máy bay.
Hậu quả thứ nhì liên quan đến uy tín của tổ chức Thương Mại Thế Giới.
Định chế này liệu có còn chính đáng khi đã gián tiếp tạo điều kiện cho Mỹ tăng tốc chiến tranh thương mại, ít ra là qua lời nói, nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu, để rồi tới đầu năm tới, lại cho phép Bruxelles phạt Boeing của Mỹ ?
Thanh Hà
SE