Bác sĩ chia sẻ hình ảnh phổi của hai bệnh nhân Covid-19, một người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và một người chưa chủng ngừa.
Người chưa tiêm vắc xin có hình ảnh chụp X-quang phổi gần như trắng xóa cho thấy họ có tải lượng virus lớn. Phổi cũng có sẹo nghiêm trọng và thiếu khí.
Ngược lại, phổi của người đã chủng ngừa vẫn có không khí đi vào và không bị nhiễm virus nhiều.
Hình chụp phổi của người chưa tiêm vắc xin bị trắng khi nhiễm Covid-19
Tiến sĩ Ghassan Kamel, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Cấp cứu tại Bệnh viện Đại học SSM Health Saint Louis ở Missouri (Mỹ), đã điều trị cho hàng nghìn người mắc Covid-19.
Ông Kamel cho biết, các bệnh nhân hiện nay đều trẻ hơn những người mắc Covid-19 vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Hầu hết các ca nhiễm mới đều chưa được tiêm chủng.
Sau một liều, vắc xin Pfizer có hiệu quả 36% đối với bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta và vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh tật khoảng 30%.
Nhưng hai tuần sau liều thứ 2, Pfizer bảo vệ 88% chống lại chủng Covid-19 và chỉ số của AstraZeneca là 67%.
Và sau hai liều, vắc xin Pfizer có hiệu quả 96% ngăn ngừa bệnh nặng phải nhập viện, chỉ số ở AstraZeneca là 92%.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 bị hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), phải nhận oxy qua máy thở.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy ARDS có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của bệnh nhân ngay cả sau khi họ đã bình phục do để lại sẹo không thể phục hồi trong phổi.
Các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân Covid-19 có khả năng bị khó thở dai dẳng, ngay cả khi họ đã khỏi.
Hình chụp phổi của người đã tiêm vắc xin trông khá bình thường dù đang nhiễm Covid-19
Một cô gái hơn 20 tuổi đã phải cấy ghép phổi sau khi virus SARS-CoV-2 khiến phổi của cô “trông như bánh mì bị hỏng”. Cô đã phải thở máy và dùng ECMO (tim phổi nhân tạo) gần 2 tháng trước khi phẫu thuật.
Hiện giới chuyên môn đã biết Covid-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bệnh nhân. Không chỉ phổi của họ mà các cơ quan thiết yếu khác cũng bị tác động.