Nhiều người gửi tiền ngân hàng ăn lãi suất thời Covid tại VN. Lời khuyên là gửi Online lãi hơn gửi tại quầy. Hiện tại về dịp cuối năm ngân hàng còn kích thích thêm gửi lãi suất. Hãy cùng xem thêm một số thông tin chi tiết về gửi tiết kiệm.
Mức lãi suất gửi tiết kiệm online đang cao hơn tới 0,7-1% so với gửi tại quầy. Đặc biệt, nhiều ngân hàng còn tung ra chương trình khuyến mãi tăng lãi suất huy động để hút vốn cuối năm.
Nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để hút vốn - Ảnh: N.PHƯỢNG
Theo ghi nhận của TT, từ giữa tháng 10, một loạt ngân hàng thương mại tư nhân, nhất là ngân hàng có quy mô nhỏ công bố tăng lãi suất huy động khi gửi tiết kiệm.
Một ngân hàng nhỏ có hội sở tại Hà Nội vừa công bố chương trình gửi tiết kiệm được tặng lãi suất thêm 0,7% khi gửi online so với mức gửi tại quầy. Như vậy, so với tháng trước, lãi suất huy động nhích lên 0,1-0,3% tùy theo từng kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất lên tới 7,45% áp dụng số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 15 tháng. Kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng cũng được tăng lên lần lượt là 6,55%/năm, 6,2%/năm và 6,7%/năm.
Còn tại VPBank, lãi suất huy động tăng lên theo số tiền gửi. Hình thức gửi online cao hơn gửi tại quầy tới 0,8%, trong khi hồi đầu năm chỉ là 0,1-0,2%.
Mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm khi gửi online với món tiền từ 50 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Còn các mức gửi tại quầy gửi dưới 300 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng có lãi suất chỉ 4,5%/năm, còn gửi online hiện là 5,3%, tăng tới 0,8% so mức áp dụng cách đây 3 tháng.
Trái lại, với các ngân hàng có quy mô lớn, nhất là một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì lãi suất tiền gửi được giữ mức ổn định suốt nhiều tháng nay.
Đơn cử, VietinBank niêm yết lãi suất tiền gửi đối với cá nhân có mức lãi suất cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn kỳ hạn từ 1-3 tháng, từ 3-6 tháng, từ 6-12 tháng đối với cá nhân gửi thì lãi suất lần lượt là 3,1%/năm; 3,4/năm và 4%/năm. Các mức lãi suất này được áp dụng từ ngày 25-3 đến nay.
Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến tình hình huy động vốn 9 tháng đầu năm tăng chậm hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9 chỉ tăng 4,28%, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,17%.
Một số ngân hàng vẫn rụt rè giảm lãi suất cho vay
Về đề xuất giảm lãi vay của doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tỉnh Bình Dương diễn ra chiều 22-10, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất một cách có trách nhiệm.
Qua giám sát việc giảm lãi suất của 16 ngân hàng đã có cam kết, phó thống đốc đánh giá có ngân hàng giảm lãi suất nhiều, nhưng ngược lại có ngân hàng giảm rất rụt rè, chỉ 5 tỉ đồng.
"Nên đây là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá ngân hàng. Trong cơ chế thị trường, ngân hàng nào phục vụ tốt, giảm lãi suất cho vay nhiều thì doanh nghiệp mới nên chơi" - ông Tú nói.
Còn về phía ngân hàng, ông Tú khuyến cáo ngân hàng nào còn rụt rè giảm lãi suất cho vay thì phải cân nhắc trong cuộc chơi cạnh tranh này.
Muốn lãi suất cho vay giảm mà lãi suất đầu vào không giảm thì phải dựa vào sự quyết tâm của các ngân hàng thương mại. Đó là các ngân hàng phải giảm chi phí và lợi nhuận.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank, MB Bank, Techcombank… cam kết tổng số tiền giảm lãi là 20.613 tỉ đồng từ ngày 15-7 đến hết năm nay.
Thống kê đợt 1 tính đến cuối tháng 8, số tiền mà 16 ngân hàng đã giảm là 8.865 tỉ đồng. Trong đó, phải kể đến MB Bank, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay là 550 tỉ đồng, với tổng giá trị nợ là hơn 93.613 tỉ đồng cho 103.978 khách hàng.
|
|