Một lượng muối vừa phải đưa vào cơ thể sẽ rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu thừa, hậu họa sẽ khó lường.
Việt Nam có bờ biển dài và tài nguyên muối rất lớn. Những người dân vùng biển thường ăn mặn hơn những người ở đồng bằng và miền núi. Tuy nhiên, dù có ăn mặn hay ăn nhạt, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, sẽ không tốt cho sức khỏe mà cần phải ăn đủ lượng muối cơ thể cần.
Một thói quen khó bỏ với người Việt Nam là dùng nhiều muối khi ướp cá, làm các loại mắm, các món kho và các sản phẩm dưa muối. Hàng ngày, trong chế biến các món ăn, người dân cũng dùng nhiếu muối mà không có định lượng rõ ràng, chỉ theo cảm tính và “áng chừng”, theo khẩu vị. Bởi vậy mới có tình trạng, nhà này ăn nhạt, nhà kia ăn mặn. Ngoài ra, theo cách vệ sinh truyền thống và truyền miệng, việc dùng nước muối súc miệng, vệ sinh cũng làm một lượng muối không nhỏ thẩm thấu vào cơ thể. Cho dù việc vệ sinh bằng nước muối vừa rẻ, vừa tiện và cũng góp phần bảo vệ sức khỏe nhưng việc pha chế nước muối để vệ sinh cũng phải đúng cách.
Các nhà khoa học cũng chứng minh, bản thân trong các loại rau, củ, quả… đã có một lượng muối nhất định. Không hẳn ăn muối mới là đưa muối vào cơ thể.
Theo khuyến cáo, người lớn nếu dùng muối, mỗi ngày cũng chỉ nên sử dụng 5- 6 gam. Nếu ăn vượt quá mức độ này, muối trong cơ thể sẽ thừa và gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, bệnh về thận, bệnh tim và thậm chí và đột quỵ, ung thư dạ dày, tăng nguy cơ mất canxi qua nước tiểu dẫn đến loãng xương và nguy cơ gãy xương…
Thành phần chủ yếu của muối là natri và clo, nếu hấp thu quá nhiều tạo sức éplên sự thẩm thấu của tế bào. Cơ thể muốn duy trì cân bằng phải hấp thu một lượng nước lớn làm dung lượng máu tăng lên, tim ắt bị quá tải. Những người mắc bệnh tim, thận nếu hấp thu quá nhiều natri không thể bài tiết hết, số còn lại tích trong dịch ngoài tế bào gây nên chứng phù thũng.
Ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng đến chức năng của hệ hô hấp. Những người bị hen và viêm phế quản nếu ăn quá mặn sẽ hay bị ho, lượng đờm tăng nhiều. Đối với các bệnh phong thấp, béo phì, tim mạch, xơ gan cũng nên hạn chế ăn muối. Lượng muối ăn mỗi ngày đối với người mắc bệnh tim mạch là dưới 5g, người mắc các bệnh về thận không quá 1g, người có sức khỏe bình thường dưới 10g.
Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ đã làm nhiều phụ nữ muốn làm đẹp; nhiều gia đình có trẻ nhỏ và con cái trong tuổi trưởng thành lo lắng, trừ bệnh tật do dùng muối thái quá gây ra, việc dùng muối nhiều sẽ gây già nua sớm.
Nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Georgia Regents, tại Augusta, Mỹ cho thấy, việc giảm lượng muối ăn có thể làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào. Điều này đặc biệt hiệu quả cho những người bị thừa cân hoặc béo phì. Tuổi thọ thường bị rút ngắn do hút thuốc, thiếu vận động và dung nạp lượng chất béo cao.
766 trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 14 – 18 được mời tham gia vào cuộc khảo sát về mức độ tiêu thụ muối. Trẻ vị thành niên bị béo phì ăn quá nhiều muối làm cho Telomere ngắn hơn so với những người ăn ít muối. Các Telomere giống áo khoác sinh học ở 2 đầu nhiễm sắc thể và bảo vệ các ADN khỏi những nguy hại. Khi chúng ta già đi, các Telomere ngày càng ngắn hơn, dẫn đến DNA bị nguy hại và nguy cơ cao mắc các bệnh như Anzheimer, tiểu đường và tim mạch. Các Telomere ngắn hơn bình thường là dấu hiệu bệnh tật và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Haidong Zhu cho biết: "Ngay cả đối với những người trẻ tuổi tương đối khỏe mạnh, việc ăn nhiều thức ăn chứa muối có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào, đặc biệt ở trẻ béo phì".
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện nay dùng muối lên đến 18 - 22 gram một người mỗi ngày, cao gấp 3 lần so với khuyến cáo là chỉ nên dùng dưới 6 gram một người mỗi ngày, tương đương một muỗng cà phê muối cho một người mỗi ngày.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim.