Từ khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ đã có thể dạy trẻ sống có trách nhiệm. Về lâu dài, nó giúp trẻ phát triển thêm nhiều kỹ năng tốt khác.
Để con tự dọn dẹp
Khi con bầy đồ chơi ra khắp nhà hay làm đổ sữa ra sàn, hãy để con tự dọn dẹp và dạy con về cách chịu trách nhiệm. Thay vì tức giận, hãy hướng dẫn cho con cách tự dọn dẹp. Chẳng hạn, lấy giúp con giỏ đựng đồ chơi, đưa cho con tấm vải để lau sữa bị đổ,…
Làm gương sống có trách nhiệm
Cha mẹ chính là tấm gương của trẻ. Chúng thường bắt chước hành động của bạn vậy nên hãy là tấm gương tích cực giúp con sống có trách nhiệm. Nếu con thấy bạn hay giúp đỡ người khác, con cũng có thể sẽ có thói quen này.
Giao cho con việc nhà phù hợp với lứa tuổi
Trẻ nhỏ có thể tự cất đồ chơi sau khi chơi xong, từ 5 tuổi trở đi trẻ có thể tự gấp chăn màn. Đến khi học tiểu học trẻ có thể biết làm các công việc nhà như quét nhà, dọn bàn ăn. Nếu không cho trẻ làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi, làm thay hết cho trẻ thì trẻ sẽ ngày càng lười biếng và không muốn làm việc gì.
Đừng giao cho con quá nhiều nhiệm vụ
Không nên bắt trẻ làm quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy đảm bảo rằng bạn cho con đủ thời gian cho bản thân và không khiến con cảm thấy quá áp lực khi phải hoàn thành công việc.
Chẳng hạn như chia nhiệm vụ lớn thành nhiệm vụ nhỏ hơn. Đến khi con dần thành thạo những nhiệm vụ được giao thì mới bổ sung thêm những nhiệm vụ mới.
Cho con biết rằng ai cũng mắc sai lầm
Theo tiến sĩ tâm lý học Kate Roberts thì “trẻ em ở độ tuổi này không hiểu rằng ai cũng đều mắc sai lầm”. Khi con mắc sai lầm, hãy bình tĩnh và cùng con thảo luận về sai lầm đó. Đừng vội vàng chỉ trích hay phạt con khi chưa nghe câu chuyện của con.
Khi con đề nghị giúp đỡ bạn, hãy đồng ý
Có những việc mà bạn tự làm sẽ nhanh hơn là có con giúp đỡ nhưng nếu con đề nghị thì hãy vui vẻ chấp nhận. Điều này giúp con thấy hài lòng khi giúp đỡ người khác. Đây cũng là một cách tốt để bạn gắn kết với con cái.
Ghi nhận, trân trọng nỗ lực của con
Khi con làm được việc tốt bạn đừng ngại dành tặng lời khen ngợi và cảm ơn đến con. Ngay cả khi con không hoàn thành nhiệm vụ thì bạn cũng nên ghi nhận những nỗ lực của con và khuyến khích con làm tốt hơn vào lần sau.