Đại diện Hội Sân khấu TP HCM cùng các nghệ sĩ thắp hương. Rồi làm lễ đón bài vị của đạo diễn Lê Văn Tĩnh, soạn giả Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, Thanh Linh, Thanh Châu, Mỹ Lợi (đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), nghệ sĩ Lê Trí Tưởng - phó giám đốc Đoàn xiếc TP HCM, ca sĩ Phan Cẩm Vân (vợ diễn viên Lê Hay)...
Sau phút mặc niệm, đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - nói buổi lễ là cách đồng nghiệp bù đắp phần nào nỗi mất mát của người thân các cố nghệ sĩ. Ông cho biết: "Chúng tôi xót xa khi nhiều nghệ sĩ qua đời trong giai đoạn giãn cách xã hội, không thể có một tang lễ chu đáo.
Việc tưởng niệm 16 nghệ sĩ bên cạnh bàn thờ các tiền bối cũng là cách để các đồng nghiệp nhớ đến công lao của người quá cố. Sân khấu, công chúng sẽ mãi biết ơn sự đóng góp âm thầm mà to lớn của họ với văn hóa, nghệ thuật nước nhà".
Nhìn bài vị đạo diễn Lê Văn Tĩnh - nghệ sĩ lớn tuổi nhất trong 16 gương mặt được tưởng niệm, Thành Lộc nói trong anh ùa về bao kỷ niệm từ thời đi học. Thuở đó, anh và nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ đầu tiên theo học cố đạo diễn. Mỗi dịp thi học kỳ, ông thường bắt họ sang xem các lớp khác thi, sau đó về kể cho thầy nghe những điều hay họ chứng kiến. Anh nói: "Có lần, chúng tôi hỏi thầy, nếu thấy cái dở của họ thì có nên về kể lại không. Thầy bảo, trong nghề này, chỉ nên nhìn ra cái hay, khoan thấy cái dở của người khác. Nếu đã thấy, cứ giữ điều đó trong lòng, sau này khi tuổi nghề lớn lên sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu". Anh nhắn nhủ các tiền bối, đồng nghiệp quá cố nếu có kiếp sau, hãy tiếp tục trở thành nghệ sĩ để làm đẹp cho đời.
Nhiều nghệ sĩ là con cháu, người thân của người đã mất góp mặt ở buổi lễ. Ôm bài vị của mẹ - soạn giả Bạch Mai, diễn viên Bình Tinh nói vẫn chưa chấp nhận sự thật mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Sau hơn ba tháng mẹ qua đời, chị dần trở lại guồng quay công việc. Ban ngày, tâm trạng chị khuây khỏa phần nào khi được gặp gỡ đồng nghiệp, tập tuồng chuẩn bị cho ngày sân khấu mở lại. Chỉ khi đêm xuống, nằm một mình trong phòng, nỗi nhớ người thân ùa về. Từ khi mẹ mất, chị đặt một khung hình nhỏ của bà nơi đầu giường để luôn cảm thấy bà bên cạnh. Bình Tinh đang dàn dựng bốn kịch bản cuối cùng do soạn giả Bạch Mai để lại. Chị xem đây là nén hương lòng dâng lên mẹ vì trước lúc qua đời, bà còn ấp ủ nhiều tâm huyết với đoàn tuồng cổ Huỳnh Long - gánh hát 50 năm của gia tộc.
Diễn viên Lê Hay nói khi vợ anh đột ngột qua đời ở tuổi 41 hồi tháng 8, anh mất thời gian dài để gượng dậy. Ban đầu, anh bàng hoàng, chưa muốn tin vào sự thật vì tình trạng vợ diễn biến nhanh dù không mắc bệnh nền. Anh cho biết: "Dần dà, gia đình tôi động viên nhau để người ở lại cố gắng bước tiếp, viết thay người đã khuất những dự định dang dở".
Tính đến tối 7/12, trong đợt dịch thứ tư, số ca nhiễm trong nước là 1.332.216, trong đó 1.008.839 ca đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Tối 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của hàng chục nghìn gia đình đã mất người thân.