Nhắc đến ung thư chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta đều cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng loại bệnh chết chóc này có thể di truyền và phải cẩn trọng như thế nào.
Bản thân ung thư là bất thường của tế bào do đột biến ở 1 hoặc nhiều bộ gen, dẫn đến hình thành các khối u ác tính nhanh chóng, di căn và khó kiểm soát. Các đột biến gây bệnh trên gen có thể gây ra nhiều loại ung thư và cũng có thể di truyền cho thế hệ sau, dẫn đến di truyền ung thư.
Có tới hơn 100 loại bệnh ung thư khác nhau, bao gồm rất nhiều bệnh có thể di truyền, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là 5 loại sau:
1. Ung thư vú
Ung thư vú được xem là căn bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm trong tốp đầu đối với phụ nữ dù ở lứa tuổi nào. Nếu bà, mẹ hoặc chị em gái của bạn bị ung thư vú, nguy cơ phát triển bệnh này ở bạn cao hơn người bình thường đến vài lần.
Nếu đang phải điều trị ung thư vú, tốt nhất bạn không nên mang thai. Các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng bệnh này rất dễ tái phát và tỷ lệ di truyền cao. Nên chờ 5 năm sau khi điều trị bệnh để sinh con, lúc này sức khỏe của mẹ đã hoàn toàn ổn định và thuốc điều trị cũng đã hết tác dụng, không còn ảnh hưởng đến thai nhi.
2. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là 1 căn bệnh phụ khoa cực nguy hiểm. Việc mắc ung thư buồng trứng biểu mô có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng và ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là rất cao. Tốt nhất là bạn nên đi tầm soát sớm và khám bệnh định kỳ, nhất là khi có ý định sinh con.
May mắn là bệnh này có tỷ lệ mắc ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tương đối thấp. Trong khoảng 90% các trường hợp, ung thư buồng trứng ít xảy ra sau tuổi 40 và phần lớn các trường hợp khởi phát bệnh sau tuổi 60.
3. Ung thư đại trực tràng
Khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gen, với 2 hội chứng chính hay gặp. Thứ nhất là hội chứng Lync, tức ung thư đại trực tràng di truyền không phải đa polyp. Hội chứng này là nguyên nhân của 2 - 4% ca ung thư đại trực tràng, thường do di truyền sự khiếm khuyết ở 1 gen MNH1 hoặc MSH2... Sự đột biến ở những gen khác cũng có thể gây hội chứng này.
Nhóm thứ 2 là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình. Nguyên nhân do đột biến gen APC, di truyền từ bố mẹ sang con. Gen APC ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến. Nó chiếm khoảng 1% ca ung thư đại trực tràng. Nên nếu có 1 người mắc hội chứng đa polyp thì hầu hết thành viên trong gia đình đều có nguy cơ mắc bệnh, cả nhà nên đến viện để tầm soát ung thư.
4. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến. Có khoảng 10% các trường hợp ung thư dạ dày có nguồn gốc từ gia đình hay còn gọi là có tính chất di truyền. Có nghĩa là cứ 10 trường hợp thì có khoảng 1 trường hợp bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Về nguyên lý, đột biến gen gây ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày bao gồm: khiếm khuyết gen CDH1; Hội chứng Lynch (khiếm khuyết gen MLH1, MSH); đột biến gen BRCA1, BRCA2; Hội chứng Li - Fraumeni ( đột biến gen TP53); Hội chứng Peutz - Jeghers (đột biến gen STK11) hay Hội chứng đa polyp tuyến có tính gia đình (FAP).
5. Ung thư phổi
Mặc dù có tới khoảng 90% ca ung thư phổi trên thế giới là do khói thuốc nhưng gen di truyền cũng là 1 trong những nguyên nhân gây bệnh. Các báo cáo thống kê cho thấy có khoảng 8% số ca ung thư phổi là do di truyền.
Nếu những thành viên thế hệ đầu như bố, mẹ, anh, chị, em ruột của bạn bị ung thư phổi thì nguy cơ bạn có thể mắc bệnh cao gấp 50% so với người bình thường. Còn nếu những thành viên thế hệ 2 như cô, dì, chú, bác, ông, bà mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn người bình thường 30%.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư do di truyền, các chuyên gia nhắc nhở có 2 việc bắt buộc phải làm. Đó là thực hiện sàng lọc di truyền và sàng lọc sớm, tầm soát định kỳ. Ngoài ra, hãy xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật.
VietBF@sưu tập