Hoa Kỳ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc FED tăng lãi suất, làm cho USD tăng giá, cùng với chính sách kiểm soát dịch bệnh khắt khe của Trung Quốc đã dẫn đến giá dầu thế giới giảm.
Thế nhưng, trên các diễn đàn dư luận viên, Tuyên giáo xua quân đồng loạt ca ngợi rùm beng, nhờ chính sách đối ngoại tài tình của đảng, sau chuyến thăm 2 ngày của ngoại trưởng phát xít Nga, ngài Sergey Lavrov, món quà quý giá cho Việt Nam là hạ giá xăng dầu.
Ối dz ời ôi... quý hóa quá! Ông bạn vàng cùng phường thảo khấu với nhau. Chắc là để trả ơn cái vụ bỏ phiếu trắng và phiếu chống tại Liên hợp quốc liên tục 5-6 lần từ năm 2014 tới giờ?
Việt Nam không nằm trong "các nước không thân thiện" trong chính sách đối ngoại của Nga. Do đó, Việt Nam được hưởng lợi về giá khi nhập khẩu xăng dầu từ Nga, nhưng vẫn tăng giá bán cho dân. Thành ngữ khu 4 cũ gọi đó là "Nốt mưa đái cả mấn". Đó là hành động "tát nước theo mưa" để lừa bịp, ăn chặn dân.
Nhờ giá xăng dầu thế giới giảm, giá trong nước cũng liên tục giảm theo. Thế nhưng, giá cả hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Từ cọng rau, củ hành đến nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng đều tăng giá ít nhất từ 10 đến 30% mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được.
Một quy luật trên thị trường tài chính là "Đáy chứng khoán là đỉnh của lạm phát". Trong những tháng vừa qua, chỉ số giá chứng khoán liên tục rơi. Và, theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính thì chứng khoán hiện nay đang xác lập vùng đáy. Điều đó chứng tỏ, lạm phát thực tế nay đang ở vùng đỉnh, rất cao.
Vậy nhưng, theo công bố của chính phủ thì lạm phát không tăng.
Báo chí vẫn ca ngợi, Việt Nam là một nước hiếm hoi kiềm chế được lạm phát trong điều kiện chiến tranh Ukraine.
Tài tình chưa?
Tổng cục Thống kê, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của ban Tuyên giáo quả là siêu hạng, Thằng Cuội chưa là cái gì.
Còn nữa, Ngân hàng nhà nước đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc hạn chế room tín dụng, giảm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Cộng với giá xăng dầu giảm, lẽ ra, lạm phát thực tế phải giảm. Nhưng, lạm phát chỉ giảm trên tivi.
Giá xăng dầu giảm, thì, lạm phát thực tế tăng chỉ có thể là loại lạm phát do "cầu kéo" bởi tăng phương tiện thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tín dụng mà phương tiện thanh toán vẫn cứ tăng thì do đâu nếu không phải từ phát hành tiền mặt?
Phát hành tiền tệ làm mất cân đối Tiền - Hàng là một chính sách ăn cướp trắng trợn.
Không minh bạch, lập lờ trong việc xác định lạm phát và nhận diện nguyên nhân của lạm phát sẽ dẫn đến hậu quả tai hại là đưa ra các quyết định chính sách vĩ mô sai lầm, rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Bởi, khi kiềm chế lạm phát do cầu kéo thì không thể sử dụng các công cụ vĩ mô như các công cụ dùng để đối phó với loại lạm phát do chi phí đẩy.
Chu Hồng Quý