Dù có thu nhập không cao và cuộc sống khó khăn nhưng nhiều bạn trẻ bị áp lực phải xây dựng hình ảnh "người có tiền" và sau đó họ cảm thấy mệt mỏi khi phải "gồng mình mà sống".
Sarah Gosling, cây bút trẻ nổi tiếng của Refinery 29 và nhiều tạp chí ăn khách, người dẫn chương trình trên đài phát thanh ở Anh, vừa có một bài viết thú vị về chủ đề: "Từ khi nào, nhiều người trong chúng ta phải giả vờ "mình là người có tiền"?".
Đây là bài viết thu hút sự quan tâm lớn từ các độc giả trẻ khi nói về thực trạng nhiều người thích khoe mẽ trên mạng xã hội hoặc bị áp lực phải "giả vờ là người có tiền" trong khi hoàn cảnh sống thực tế thì khác hẳn.
Sarah Gosling viết: "Tôi sẽ thành thật với bạn, tôi viết bài này trong tình trạng phá sản. Hiện tôi chỉ còn 5 bảng Anh trong túi và một đống nợ từ nhiều biến cố xảy ra trong cuộc sống, tất cả đang khiến tôi tê liệt.
Tiền thuê nhà, chi phí cuộc sống đều tăng trong khi tôi chỉ kiếm được tối đa 40 bảng/tuần. Đó rõ ràng không phải là một tình trạng sống tốt.
Sarah Gosling (Ảnh: Instagram).
Ở một hoàn cảnh khác, tôi được biết tới là người có công việc tốt. Tôi là người dẫn chương trình trên đài phát thanh, nhà sản xuất, cây bút của nhiều tạp chí. Tất cả công việc đều được trả một khoản kha khá và rất thú vị khi làm việc đó. Tôi rất may mắn được mời ăn tối miễn phí và được tham gia các sự kiện miễn phí.
Về cơ bản đây là những gì mọi người nhìn thấy ở tôi bởi vì đó là những gì tôi cho phép họ nhìn thấy và nó thực sự cần thiết cho công việc của tôi.
Tôi thường mua một ly đồ uống khi tới nơi làm việc vì mọi người nghĩ tôi thừa điều kiện làm vậy nhưng sau đó tôi sẽ nhịn ăn ở nhà để bù đắp.
Tôi sẽ tham dự một sự kiện - về cơ bản là bắt buộc trong ngành của tôi - trong bộ trang phục đẹp nhất và sau đó tôi sẽ phải trả tiền taxi, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các khoản tiền tôi dành để thanh toán các hóa đơn của mình. Tôi sẽ tắm bằng xà phòng rửa tay vì tôi không có đủ tiền để mua thêm sữa tắm mà tôi vừa dùng hết.
Tôi nghĩ đó là sự sang chảnh giả tạo mà tôi không hề đơn độc trong đó. Trên khắp Vương quốc Anh, có rất nhiều cô gái trẻ lập nhiều tài khoản mạng xã hội để bán ảnh của họ, vắt kiệt sức lực với hai hoặc ba công việc hoặc cân nhắc tìm "sugar daddy", chỉ để giữ cho mình vẻ bề ngoài sang chảnh.
"Tôi không hiểu vì sao tôi làm việc chăm chỉ như vậy mà vẫn hầu như không đủ sống. Tôi cảm thấy còn lâu mới có thể sở hữu một ngôi nhà hoặc đủ khả năng nuôi dạy một đứa trẻ", Rebecca, 28 tuổi, người Australia và chuyển đến London, Anh, ba năm trước với hy vọng theo đuổi nghề báo, cho biết.
Rebecca dành hai năm đầu tiên ở Anh làm công việc bảo mẫu. Bây giờ, với tư cách là một nhà báo cho một ấn phẩm ở London, cô ấy vẫn trông trẻ vào cuối tuần để kiếm sống qua ngày.
Từ dữ liệu khảo sát lực lượng lao động của văn phòng thống kê Anh năm 2020 cho thấy, các cá nhân xuất thân từ tầng lớp lao động chỉ chiếm thị phần khiêm tốn trong các công việc sáng tạo: Phim ảnh (16%), quảng cáo và tiếp thị (15%), kiến trúc (12%), xuất bản (13%) và âm nhạc, biểu diễn và nghệ thuật thị giác (12%).
Báo cáo về tính đa dạng trong báo chí năm 2022 của Hội đồng quốc gia Vương quốc Anh về đào tạo nhà báo cho thấy 80% nhà báo Vương quốc Anh là người làm việc chuyên nghiệp hoặc tới từ tầng lớp thượng lưu. Rebecca không nằm trong số đó.
Rebecca chia sẻ: "Bởi vì tôi làm việc trong lĩnh vực báo chí về phong cách sống nên tôi thường xuyên bị bao vây bởi sự giàu có. Tôi có những trải nghiệm mà tôi không bao giờ có thể mua được. Điều đó tưởng như sẽ khiến tôi hạnh phúc nhưng thành thật mà nói, nó chỉ khiến tôi cảm thấy chán nản.
Tôi đến tất cả những sự kiện sang trọng và phải giả vờ hòa nhập với những người diện đồ hiệu từ đầu tới chân. Việc được tặng một loại kem bôi mặt trị giá 200 bảng có ích lợi gì khi một trong những lý do khiến da bạn quá khô là do bạn không đủ khả năng để bật máy sưởi?".
Kylie Jenner nổi tiếng vì thường khoe cuộc sống sang chảnh trên Instagram (Ảnh: Instagram).
"Tôi không chỉ phải lo lắng về cái đói và cái lạnh mà đó còn là sự cô đơn và xấu hổ", Claire, 28 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, cho biết.
Cô gái trẻ chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ khá giả nhưng mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn hơn do hoàn cảnh cá nhân và bây giờ là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Khi bạn bè mời tôi đi ăn tối hoặc uống rượu, tôi thường phải từ chối vì tôi sẽ không có đủ và không muốn hỏi vay tiền.
Tôi thường phải hỏi chị gái hoặc vay tiền để tôi có thể tiếp tục đi làm, điều đó chỉ khiến tôi cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Tôi thậm chí đã trộm đồ ăn trưa ở quán ăn gần chỗ làm và sau đó tôi thấy rất áy náy, tồi tệ và xấu hổ.
Tôi từng nghĩ phải chăng mình nên nói thật và nhờ người khác giúp đỡ nhưng tôi không muốn bị đánh giá thấp hay bị coi là nghèo".
Khát vọng trở thành người thành đạt không phải là điều mới mẻ nhưng giờ đây, mạng xã hội làm tăng thêm một cấp độ sai lệch khác cho nhận thức của nhiều người.
Trên mạng xã hội, hàng loạt cô gái trẻ xây dựng hình ảnh người phụ nữ tự khởi nghiệp, năng động, trông giống như hiện thân của sự thành công và hình ảnh đó gần như nói với mọi người rằng, nếu mọi người làm việc chăm chỉ hơn và có vẻ ngoài phù hợp, mọi người có thể giống như họ. Trong khi trên thực tế, chúng ta không biết gì về tình hình tài chính hoặc nền tảng kinh tế của nhưng cô gái đó".
Laura Horton, người đoạt giải Plymouth of Words với vở kịch bán tự truyện mới, Breathless (công chiếu tại nhà hát Soho danh giá của London), cũng từng rơi vào hoàn cảnh này.
Cô kể: "Một người bạn làm ở ngân hàng đưa chúng tôi đi mua rượu vang. Tôi đã nghĩ mình sẽ chỉ chi 20 bảng Anh nhưng người bạn đó chọn chai rượu có giá tới 80 bảng Anh và tôi đã rất hoảng sợ vì đó là số tiền tôi tiêu trong cả tuần nhưng tôi không dám nói bất cứ điều gì.
Nó chỉ làm cho tôi tự ý thức được tình hình của bản thân. Trọng tâm của vấn đề là sự lo lắng rằng chúng ta sẽ bị phán xét, rằng chúng ta sẽ bị coi là thiếu thốn. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta ưu tiên cho vẻ bề ngoài, "làm màu" hơn là sống hợp lý với tình hình tài chính của mình".
Sarah Gosling thừa nhận, viết bài viết này khiến cô "cảm thấy phát ốm". "Tôi sợ mọi người sẽ chế giễu tôi và sự lựa chọn của tôi nhưng không, hóa ra không phải là như vậy.
Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm. Họ nói: "Cảm ơn bạn đã nói về điều này". Rất nhiều người nói: "Ôi trời, tôi đã từng như vậy. Hoàn toàn không có gì phải xấu hổ về điều đó. Cuộc sống vẫn luôn khó khăn và khiến nhiều người cảm thấy lo lắng".
Một huấn luyện viên thể dục cá nhân nói với tôi: "Tôi cảm thấy giống như bạn... Dù bận rộn như tôi nhưng đôi khi phải mất nhiều thời gian tôi mới được trả tiền công".
"Tôi đã ăn trộm cuộn giấy vệ sinh ở nơi làm việc vì không đủ tiền mua", một người mà tôi luôn ngưỡng mộ vì sự quyến rũ của họ trên mạng xã hội, cho biết.
Trong những tuần tiếp theo, có những người bạn đến gặp tôi để nói rằng họ cũng cảm thấy như vậy nhưng họ từng nghĩ "chẳng ai khổ như mình".
Trang cá nhân của tôi ngập tràn những tin nhắn và tôi biết rằng rất nhiều người đang phải vật lộn với những vấn đề cấp bách hơn, phải chăm sóc con cái và bạn đời trong tình trạng kinh tế eo hẹp.
Những lo lắng về tài chính có tác động thực sự đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, đề xuất của tôi là thế này: Hãy ngừng đóng kịch! Cuộc sống rất khó khăn nhưng hãy sử dụng nó cho tốt.
Hãy dừng up ảnh "lồng lộn" lên Instagram và gắn thẻ nhà thiết kế trong khi thực sự thì bạn đang mặc quần áo cũ, ăn đồ thừa tại nhà. Hãy chia sẻ với bạn bè của bạn những lo lắng về tiền bạc, về số tiền bạn kiếm được.
Khi mọi người đua nhau đặt mua đồ trực tuyến, hãy nói thẳng rằng bạn không đủ tiền để mua đồ trong tuần này. Việc bạn nói điều đó không giải quyết được vấn đề tài chính nhưng tôi đảm bảo, nó sẽ khiến bạn và người nghe đều cảm thấy nhẹ nhõm. Đấu tranh có thể là một sự cô đơn sâu sắc, trừ khi tất cả chúng ta cùng nhau làm điều đó".
Theo Dân Trí