Bàn chân bẹt không chỉ giảm khả năng di chuyển mà có thể dẫn đến viêm khớp, đau lưng, biến dạng ngón chân cái.
Bàn chân bẹt là tình trạng mặt lòng bàn chân bằng phẳng và không có độ lõm. Bệnh có thể bẩm sinh hoặc phát triển theo thời gian do tuổi tác, chấn thương. Nếu được điều trị sớm, các triệu chứng ngừng tiến triển và không cần phẫu thuật. Ngược lại, bệnh có thể trở nặng theo thời gian, gây đau đớn, khó đi lại, dẫn tới một số bệnh lý dưới đây.
Viêm khớp
Vòm bàn chân của người bệnh này bằng phẳng nên khó hỗ trợ trọng lượng cơ thể. Theo thời gian, khớp bên dưới và phía trước mắt cá chân bị tổn thương, mòn và gây viêm khớp.
Hướng điều trị gồm dùng thuốc, giảm cân, mang giày chỉnh hình bàn chân. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh để điều chỉnh biến dạng bàn chân bẹt, nối các xương lại với nhau để loại bỏ viêm khớp.
Đau lưng dưới
Phụ nữ mắc chứng bàn chân bẹt có nguy cơ đau thắt lưng cao hơn 50% so với người bình thường. Đây là kết luận từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lão hóa (Mỹ) năm 2013, với hơn 1.900 nam và nữ tham gia.
Khi không có vòm chân hỗ trợ, phần gót dễ bị vẹo ra ngoài, chân đổ vào trong. Tình trạng này tạo ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến sự liên kết và chức năng của đầu gối, hông, lưng dưới, cuối cùng dẫn đến đau lưng.
Để giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo nẹp chỉnh hình, tập vật lý trị liệu hoặc ngồi ghế công thái học.
Đau nhức bàn chân ảnh hưởng đi đứng. Ảnh: Freepik
Gai gót chân
Vòm bàn chân suy yếu khiến dây chằng cân gan chân bị kéo căng quá mức. Điều này tạo ra áp lực ở xương gót chân, góp phần hình thành gai gót chân. Về lâu dài, gai gót chân gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động chịu sức nặng như chơi thể thao, đi bộ, chạy.
Để cắt cơn đau tạm thời, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, hạn chế đứng lâu. Mang giày có kích cỡ vừa vặn, đế giày không quá cứng hoặc mềm, giữ cân nặng ổn định, hạn chế mang vác đồ vật nặng phòng tránh bệnh tái phát.
Biến dạng ngón chân cái
Người bị bàn chân bẹt có nguy cơ biến dạng ngón chân cái do phần lớn trọng lượng dồn về phía trước chân. Lúc này, ngón chân cái không chịu nổi áp lực nên nghiêng vào ngón thứ hai, tạo ra sự mất cân bằng ở bàn chân. Về lâu dài, tình trạng này gây nên cảm giác đau ở khớp ngón chân cái và sưng.
Mang giày chỉnh hình hoặc có đệm lót giày hỗ trợ giảm áp lực và giảm đau. Đeo nẹp chỉnh hình cũng làm chậm tiến triển bệnh. Có thể dùng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau không kê đơn. Trrường hợp nặng, bác sĩ phẫu thuật để căn chỉnh lại xương dưới ngón chân cái của người bệnh.
Đau đầu gối
Bàn chân bẹt có thể khiến chân lệch, dẫn đến đau đầu gối. Sự sai lệch cũng ảnh hưởng đến khớp, gây viêm khớp và các vấn đề về khớp khác.
Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Boston (Mỹ) tìm hiểu mối liên hệ giữa đau đầu gối và chứng bàn chân bẹt năm 2011. Nghiên cứu với gần 2.000 người tham gia, trung bình 65 tuổi. Kết quả cho thấy nhóm người có bàn chân bẹt có tỷ lệ đau đầu gối cao gấp 1,3 lần, tỷ lệ tổn thương sụn đầu gối cao gấp 1,4 lần so với nhóm bình thường.
Đ giày dép có đệm hỗ trợ hoặc nẹp chỉnh hình là cách tăng cường sức mạnh cho bàn chân, đầu gối. Thực hiện bài tập giãn cơ, chườm lạnh và điều chỉnh tư thế cũng hữu ích.