Đau nửa đầu không phổ biến, có thể chữa khỏi hoàn toàn là lầm tưởng thường gặp về đau nửa đầu mạn tính.
Đau nửa đầu có thể nhẹ hoặc dữ dội, diễn ra vài giờ, nhiều ngày, có thể vài tháng. Triệu chứng gồm buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm, khó chịu với ánh sáng, âm thanh. Dưới đây là 4 lầm tưởng thường gặp về bệnh này.
Bệnh ít gặp
Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Khoa học Y khoa Tabriz (Iran) cho thấy đau nửa đầu là bệnh thần kinh phổ biến trên thế giới. Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, do nhiều đại học tại châu Âu thực hiện, đăng trên tạp chí The Journal of Headache And Pain, đau nửa đầu là một trong số các nguyên nhân gây khuyết tật thường gặp.
Đau nửa đầu mạn tính là đau nửa đầu từng cơn
Hai loại đau đầu này giống nhau, chỉ khác nhau ở tần suất cơn đau. Đau nửa đầu từng cơn thường xảy ra khoảng 14 ngày mỗi tháng. Đau nửa đầu mạn tính xuất hiện khoảng 15 ngày trở lên trong một tháng, có thể kéo dài vài tháng.
Triệu chứng của hai loại này về cơ bản giống nhau gồm đau đầu dữ dội, đập thình thịch, đau nhói xuất hiện đột ngột. Người bệnh có thể buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi mạnh, xuất hiện hào quang.
Triệu chứng thường nặng ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Đau nửa đầu từng cơn có thể tiến triển mạn tính, người bệnh nên đi khám để kiểm tra.
Nam giới ít bị đau nửa đầu hơn phụ nữ. Ảnh: Freepik
Đàn ông dễ đau nửa đầu mạn tính hơn phụ nữ
Theo nghiên cứu năm 2020 của Viện Y tế Công cộng, Đại học Y Berlin (Đức), phụ nữ có nguy cơ đau nửa đầu cao gấp 2-3 lần so với nam giới. Ở nữ, cơn đau nửa đầu có xu hướng nghiêm trọng hơn, dễ dẫn đến biến chứng, cần nhiều thời gian hồi phục.
Phụ nữ dễ đau nửa đầu hơn đàn ông do sự thay đổi nồng độ nội tiết tố (estrogen, progesterone), ảnh hưởng đến các hóa chất trong não gây đau đầu. Nồng độ estrogen giảm trong độ tuổi sinh sản tăng khả năng đau nửa đầu. Bệnh có thể cải thiện sau khi mãn kinh. Yếu tố tuổi tác, lịch sử gia đình, chăm sóc con cái cũng có liên quan đến việc phụ nữ dễ đau nửa đầu.
Tất cả người bệnh đều chữa khỏi
Đau nửa đầu mạn tính thường kéo dài suốt đời. Người bệnh điều trị và kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, áp dụng biện pháp phòng ngừa để giảm tần suất, mức độ đau.
Nên tránh tác nhân kích hoạt đau nửa đầu như rượu bia, chất làm ngọt nhân tạo, caffeine, mất nước, mất ngủ, mùi mạnh, nắng gắt, thời tiết thay đổi... Khi cơn đau đầu ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, người bệnh nên đi khám để điều trị.