Nước mía là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thường xuyên uống nước mía.
Nước mía là một trong những thức uống giải khát phổ biến và quen thuộc với người Việt Nam. Với hương vị thơm ngon, mát lành, nước mía không chỉ giúp ta xua tan cơn khát mà còn có công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích đối với sức khỏe nếu bạn thường xuyên uống nước mía:
Nước mía giúp điều chỉnh đường huyết
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, dù nước mía chứa nhiều đường nhưng nếu bệnh nhân bị tiểu đường dùng thức uống này với mức độ hợp lý thì có thể kiểm soát được lượng đường huyết, ngăn chỉ số đường huyết tăng vọt hoặc hạ thấp quá nhanh.
Chống lão hóa
Flavonoid, chất chống oxy hóa và các hợp chất phenolic chứa trong nước mía sẽ giúp đem lại làn da mềm mại, tươi sáng và ẩm mịn hơn. Những chất này tác dụng giảm thiểu các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa sớm trên da.
Thải độc gan
Hợp chất phenolic và flavonoid chứa trong nước mía có chức năng chống ung thư, kháng viêm, kháng virus, chống oxy hóa và ngăn ngừa dị ứng. Vì vậy ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nên uống nước mía thường xuyên để cải thiện tình trạng viêm gan và điều chỉnh sắc tố da.
Cải thiện vấn đề răng miệng
Báo VietNamNet dẫn nguồn bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền - trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, có sách cổ cho rằng uống nước mía bằng cách nhai có hai cái lợi. Một là uống được ít một sẽ có lợi hơn và hai là “Tập thể dục cho răng khỏe”.
Mía cũng giàu canxi và phốt pho giúp tăng cường men răng, răng chắc khỏe và chống sâu răng.
Theo bác sĩ Vũ, ăn mía còn giúp chống lại tình trạng hôi miệng do thiếu hụt chất dinh dưỡng và chống hôi miệng do sâu răng tạo môi trường cho vi khuẩn trong miệng phát triển.
Nước mía mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Cải thiện tiêu hóa
Nước mía từ lâu được biết đến với khả năng làm dịu dạ dày, giúp hệ tiêu hóa dễ chịu. Với người bị hội chứng ruột kích thích hoặc tiêu hóa kém, thêm nước mía vào chế độ ăn uống là phương thuốc tự nhiên. Lượng kali trong nước mía giúp cân bằng độ pH trong dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị tiêu hóa và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Kali và chất xơ trong nước mía hỗ trợ quá trình tiêu hóa và nhu động ruột diễn ra suôn sẻ. Bằng cách cải thiện tiêu hóa, nước mía gián tiếp giúp ngăn ngừa tăng cân do không thể hấp thụ và đồng hóa chất dinh dưỡng đúng cách.
Quan điểm uống nước mía tăng cân là sai lầm
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS Hà Thị Cẩm Vân, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, uống nước mía không làm tăng cân vì lượng calo và chất béo khá thấp. Hơn nữa, nước mía chứa chỉ số đường huyết thấp nằm trong khoảng từ 30-40 (thường chỉ ở mức 32).
Tuy nhiên cần chú ý, nước mía chứa lượng đường fructose tự nhiên khá cao, tạo ra năng lượng lớn. Nên cân nhắc lượng tiêu thụ lượng nước mía cũng như tổng lượng calo trong một ngày, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân đối và hoạt động thể dục thể thao.
Những người không nên uống nước mía
Người đang sử dụng thuốc: Không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.
Người mắc bệnh tiểu đường.
Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía chừng mực vì nước mía nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.
Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.