Nằm ngửa, kê cao đầu và kê gối dưới đầu gối giảm ngưng thở khi ngủ, ngủ nghiêng giúp phổi hoạt động tốt.
Tư thế ngủ yêu thích giúp bạn thoải mái suốt đêm. Tuy nhiên, một số tư thế có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề hô hấp. Dưới đây là những cách góp phần giảm ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Ngủ nghiêng
Ngủ nghiêng sang trái, kê gối ở dưới đầu và giữa hai chân, giúp phổi hoạt động tốt nhất. Ở tư thế này, tác động của trọng lực giúp quá trình lưu thông máu diễn ra. Đây cũng là tư thế tốt nhất cho người ngáy ngủ do mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể phá vỡ sự cân bằng giữa carbon dioxide và oxy trong máu, dẫn đến tăng huyết áp cùng các vấn đề về tim mạch. Một số trường hợp có thể dẫn đến chóng mặt, tăng huyết áp, cảm giác lú lẫn và ngừng tim.
Nằm ngủ liên tục một bên có thể khiến các cơ mỏi, nên có thể xen kẽ ngủ nghiêng hai bên. Tư thế ngủ nghiêng cả hai bên đều giúp giảm triệu chứng ngưng thở khi ngủ và cải thiện đau lưng.
Tuy nhiên, ngủ nghiêng có thể gây đau vai hoặc cổ đối với một số người. Sử dụng gối và nệm được thiết kế để ngủ nghiêng hỗ trợ điều chỉnh cột sống. Kê gối giữa hai chân khi ngủ có thể làm giảm đau lưng ở người mới tập ngủ ở tư thế này.
Nằm ngửa, nâng cao đầu
Nằm ngửa, kê cao đầu và kê gối dưới đầu gối phù hợp cho người ngưng thở khi ngủ. Kê gối cao hạn chế lưỡi trượt xuống cổ họng, đưa luồng khí đi thẳng xuống phổi. Kê gối dưới đầu gối giúp căn chỉnh cột sống, giảm đau mỏi.
Tư thế nằm ngửa mà không kê cao gối sau cổ và vai khiến triệu chứng tắc nghẽn đường thở nặng hơn. Nằm sấp cũng không được khuyến khích, do làm hạn chế luồng khí tự do vào phổi. Lúc này trọng lượng cơ thể đè lên phổi, hạn chế chuyển động của khung xương sườn, cơ hoành.
Rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Người mắc chứng ngưng thở do tắc nghẽn ngừng thở trong khi ngủ và có thể thức dậy thở hổn hển.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp, gây khó thở. Người bệnh COPD thường ho, thở khò khè hoặc cảm thấy khó thở khiến khó ngủ.
Lo lắng: Những người bị rối loạn lo âu thường khó ngủ.
Các vấn đề về xoang hoặc đường mũi: Tắc nghẽn do dị ứng, viêm mũi hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến đường mũi gây khó thở, nhất là khi nằm.
Suy tim: Gây khó thở và nặng hơn khi bệnh tiến triển, khó thở có thể tăng lên khi nằm ngửa.
Những người bị yếu cơ hoành có thể cảm thấy khó thở khi nằm ngửa.
|