Mỡ máu cao gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lại thường bị phát hiện muộn do triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn.
Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol “xấu” (lipoprotein tỷ trọng thấp - LDL) hay chất béo trung tính (triglycerides) hoặc cả hai ở trong máu. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường. Như gây rối loạn tuần hoàn máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, gây hẹp động mạch và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên…
Điều đáng lo là hầu như tình trạng mỡ máu cao không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Thông thường, điều này chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ hoặc cho đến khi người bệnh gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, mỡ máu cao cũng gây ra nhiều thay đổi trên cơ thể, có thể coi như dấu hiệu nhận biết sớm để đi khám, điều trị kịp thời.
Trong đó, có 5 điều khác lạ ở chân rất có thể là tín hiệu cơ thể phát ra cảnh báo mỡ máu cao nhưng nhiều người xem nhẹ sau đây:
1. Tê hoặc đau chân bất thường
Khi bị mỡ máu, tuần hoàn máu cũng sẽ trở nên khó khăn, trong khi chân lại nằm ở xa tim - cơ quan bơm máu. Tuần hoàn máu kém cộng thêm lớp mỡ máu tích tụ dưới da có thể gây rối loạn hoạt động của mô cơ, dây thần kinh, sinh ra cảm giác khó chịu như ngứa, châm chích như kiến cắn, tê chân.
Một số bất thường ở chân có thể cảnh báo sớm mỡ máu cao nhưng ít ai để ý (Ảnh minh họa)
Đặc biệt nếu mỡ máu tăng quá mức có thể gây ra các mảng xơ vữa động mạch, làm thu hẹp các động mạch ở mô cơ chân, thậm chí là thiếu máu cục bộ ở cơ chân. Điều này cùng với tình trạng tích tụ chất thải và mức độ nghiêm trọng mãn tính, có thể gây đau đớn, khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.
2. Màu da ở chân thay đổi
Khi lượng mỡ trong máu tăng cao, lipid sẽ lắng đọng trên lớp nội mạc của động mạch, dẫn đến tăng sản mô liên kết. Trong quá trình này, lượng mỡ không chỉ gây tổn thương tế bào nội mô mà còn cản trở quá trình đào thải mỡ.
Lượng mỡ máu trong cơ thể tăng cao làm tăng nguy cơ gây tổn thương mạch máu, khiến máu lưu thông kém. Màu da chân thay đổi rõ nhất khi người bệnh mỡ máu cao nhấc chân lên phần da chân sẽ trắng bệch, còn khi hạ chân xuống, phần da chân có thể chuyển sang màu ửng đỏ.
Nếu động mạch chi dưới bị tắc nghẽn sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ trầm trọng, dẫn đến chân tím tái, có màu tím hoặc đỏ tía. Lúc này, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” trong điều trị.
3. Chân lạnh khó hiểu, chuột rút về đêm
Nếu quá trình lưu thông máu diễn ra bình thường, bàn chân sẽ luôn ấm áp. Tuy nhiên, khi lượng mỡ trong máu tăng cao sẽ làm cho máu đặc và chảy chậm lại, từ đó dẫn tới lượng máu lưu thông đến bàn chân - khu vực xa tim nhất - cũng chậm lại. Điều này khiến bàn chân luôn trong trạng thái lạnh, ngay cả giữa mùa hè.
Phần lạnh nhất ở chân thường là bàn chân và bắp chân và tình trạng này càng nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Bên cạnh lạnh chân, người có mỡ máu cao cũng bị căng cơ, hay thường gọi là chuột rút vào ban đêm. Bởi khi chất thải tích tụ, tuần hoàn máu kém, thậm chí có cục máu đông ở chân sẽ gây co thắt cơ bất thường, dẫn đến chuột rút vào ban đêm khi nhiệt độ thấp và máu trở nên nhớt hơn.
4. Móng chân tím tái không rõ lý do
Thông thường, móng chân của chúng ta thường có màu hồng nhạt, đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của chúng ta bình thường. Nhưng sau khi mỡ máu tăng lên, móng chân có xu hướng chuyển sang màu tím.
Điều này là do bàn chân nằm cách xa tim nhất, do đó nếu lượng mỡ trong máu tăng cao, tốc độ lưu thông máu sẽ chậm lại, lượng máu cung cấp cho bàn chân sẽ giảm xuống. Lúc này, chân sẽ thiếu máu nuôi dưỡng, cộng thêm chứng co rút cơ và lạnh chân khiến móng chân trở nên tím tái.
5. Vết thương ở chân lâu lành
Máu vận chuyển các tế bào máu, nhất là bạch cầu, và các chất dinh dưỡng cần thiết tới vết thương để tiêu diệt vi khuẩn và làm lành vết thương. Vì vậy giảm dòng máu đến sẽ ảnh hưởng (làm chậm) quá trình làm lành vết thương.
Trong khi, mỡ máu tăng cao ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông máu của chân, thậm chí là tắc nghẽn, hẹp động mạch, gây ra thiếu máu cục bộ. Lúc này, nếu có vết thương ở chân, các yếu tố đông máu để cầm máu vết thương, giúp vết thương đóng vảy nhanh lành cũng sẽ bị thiếu hụt, từ đó vết thương sẽ lâu lành hơn.