Viêm nhiễm, mất ổn định phạm vi chuyển động, đĩa đệm thiếu nước, rách, nứt là những nguyên nhân thường gặp gây thoái hóa đĩa đệm, cần điều trị sớm.
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm cột sống mất độ dẻo dai vốn có, chuyển động lệch khỏi vị trí ban đầu, thường gặp nhất ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Tình trạng này là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên trên cơ thể, biểu hiện triệu chứng và mức độ đa dạng.
BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thoái hóa đĩa đệm không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng rõ rệt do đĩa đệm có rất ít dây thần kinh. Hầu hết cơn đau chỉ xảy ra khi cấu trúc bên trong cột sống (cơ, khớp, rễ thần kinh...) bị ảnh hưởng. Dưới đây là các nguyên nhân thoái hóa đĩa đệm.
Viêm nhiễm xảy ra khi các protein gây viêm bên trong khoang đĩa đệm rò rỉ ra ngoài, sưng tấy các cấu trúc xung quanh cột sống. Tình trạng này dẫn đến căng cơ, co thắt cơ và đau cục bộ vùng cổ, lưng. Nếu một rễ thần kinh viêm, triệu chứng tê, đau có thể lan dần ra cánh tay, vai (bệnh rễ thần kinh ở cổ) hoặc hông và chân (bệnh rễ thần kinh thắt lưng).
Mất ổn định phạm vi chuyển động xảy ra khi vòng xơ đĩa đệm bị thoái hóa, làm giảm khả năng hỗ trợ và tính ổn định giữa các đốt sống. Về lâu dài, cơ, khớp hoặc rễ thần kinh xung quanh bị căng thẳng, kích ứng, làm mất ổn định cột sống và đau dữ dội theo từng đợt.
Theo bác sĩ Xuân Anh, thoái hóa đĩa đệm có thể gây đau hoặc không. Trường hợp người bệnh cảm thấy đau có thể do các nguyên nhân sau:
Đĩa đệm mất nước khi cơ thể già đi, trở nên mỏng hơn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ lực (cấu trúc đĩa đệm có phần lõi mềm chứa nước).
Đĩa đệm rách hoặc nứt do chấn thương (kể cả chấn thương nhỏ), chủ yếu xảy ra trên cột sống, gần dây thần kinh, gây ra các cơn đau khó chịu.
Bác sĩ Xuân Anh lưu ý thoái hóa đĩa đệm cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh xảy ra các biến chứng đáng lo ngại về sau. Nếu thành ngoài đĩa đệm bị nứt, toàn bộ cấu trúc có thể phình ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép dây thần kinh cột sống. Bệnh này hiếm khi chèn ép toàn toàn bộ ống sống, bao gồm cả dây thần kinh.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật khẩn cấp để tránh liệt vĩnh viễn, nhất là khi triệu chứng nghiêm trọng, cản trở hoạt động hàng ngày, có dấu hiệu rối loạn chức năng ruột, bàng quang, tiểu không tự chủ hoặc mất cảm giác ở một vài vị trí trên cơ thể.
Thoái hóa đĩa đệm thường gặp, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày, có nguy cơ dẫn đến tàn phế. Do đó, bác sĩ Xuân Anh khuyến cáo mỗi người chủ động phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách duy trì trọng lượng cơ thể ổn định, bỏ hút thuốc lá và tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức mạnh cũng như độ dẻo dai cho cột sống.
vietBF @ sưu tập