Nhiều người bệnh nhiễm cúm A có diễn tiến nặng phải đặt ống thở máy. Khi chụp X-quang phổi, hình ảnh trên phim chụp xuất hiện những mảng trắng xóa hai bên phổi.
Ngày 11.1, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết gần đây, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A, sau ít ngày nhiễm bệnh, người bệnh có diễn tiến nặng phải đặt ống thở máy. Khi chụp X-quang phổi, hình ảnh trên phim chụp xuất hiện những mảng trắng xóa hai bên phổi.
Mới đây, người phụ nữ 59 tuổi (ở Hà Nội) có các triệu chứng ban đầu như sốt, hắt hơi, sổ mũi, qua ngày thứ 2 bắt đầu tức ngực, khó thở. Ngày thứ 3 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, phổi trắng xóa do tổn thương lan tỏa, phải thở máy. Trước đó vài ngày, một người phụ nữ 66 tuổi cũng nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phổi trắng xóa, tổn thương lan tỏa, xét nghiệm phát hiện đồng nhiễm cúm A và Covid-19.
Phổi trắng là gì?
Bác sĩ Hà Tấn Lộc, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết hội chứng phổi trắng là tình trạng khi chụp X-quang phổi, hình ảnh trên X-quang xuất hiện những đốm trắng hoặc đôi khi là một mảng màu trắng, đây có thể là báo hiệu nhiều vấn đề về phổi như viêm phổi do nhiễm khuẩn, ung thư phổi, xơ cứng màng phổi, tràn dịch màng phổi… Tuy nhiên, hình ảnh chụp X-quang phổi này không thể đưa ra chẩn đoán chính xác mà bác sĩ còn căn cứ vào nhiều yếu tố để có thể đánh giá và xác định được bệnh.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các vi rút cúm mùa gây nên, chẳng hạn: A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9… Vi rút cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, lợn, động vật có vú… và có thể nhanh chóng lây sang người.
Người mắc bệnh cúm A thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể
Ngoài ra, đối với người bệnh cúm A diễn biến nặng sẽ gây viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực và các vấn đề về tim mạch.
Vì sao phổi trắng?
Bác sĩ Lộc cho biết người nhiễm cúm A thể nặng có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi, vì vậy trên phim chụp X-quang của phổi lúc này sẽ xuất hiện những mảng trắng xóa.
Cúm A thường sẽ tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh lý nền về tim mạch, hô hấp hoặc người có hệ miễn dịch kém thì bệnh thường sẽ trở nặng và có nguy cơ gây tử vong. Vì vậy khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
Người nhiễm cúm A thể nặng có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi khiến phổi trắng xóa
Phòng ngừa nguy cơ nhiễm cúm A
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm cúm A, cần tuân thủ một số biện pháp như:
Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng.
Tránh cầm nắm chung đồ vật.
Hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm cúm A.
Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.
Tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch.
Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
VietBF@sưu tập