Ngọc, 19 tuổi, 6 tháng nay thường khó thở, tim đập nhanh, nhất là khi leo cầu thang, chạy bộ, bác sĩ khám phát hiện tăng hormone tuyến giáp.
Ngày 15/1, BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Ngọc, ngụ Tiền Giang, tim đập nhanh 150 lần một phút. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy hormone tuyến giáp vượt ngưỡng, không thể đo được (mức bình thường 12-22 pmol/l ), hormone TSH giảm còn 0,005 microIU/ml (bình thường 0,27-4,2 microIU/ml).
Bác sĩ chẩn đoán Ngọc mắc bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp), cần điều chỉnh hormone giáp, nhịp tim, tránh nhiều biến chứng như suy tim. Người bệnh được điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp tổng hợp và thuốc ổn định nhịp tim, xuất viện sau 5 ngày điều trị, tái khám sau một tuần.
Bác sĩ Khuyên cho biết gần đây Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận trung bình 3-4 phụ nữ mắc cường giáp một tuần, hầu hết đều xuất hiện triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, yếu chân.
Phương, 18 tuổi, ngụ TP HCM, phát hiện mắc bệnh cường giáp một tháng trước nhưng hay quên uống thuốc dẫn đến đánh trống ngực, khó thở, yếu tay chân. Khi ngất xỉu ở trường, Phương được đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ truyền dịch, kê thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc kháng giáp. Sau ba ngày điều trị, Phương hết mệt, nhịp tim ổn định và được xuất viện.
Cổ của Phương phình to do cường giáp. Ảnh: Đinh Tiên
Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp giải phóng quá nhiều hormone giáp (FT4 và FT3) hơn mức cơ thể cần. Tuyến giáp giúp điều chỉnh nhiệt độ, kiểm soát nhịp tim, kiểm soát quá trình trao đổi chất. Do đó, tăng hay hạ hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Theo bác sĩ Phương, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn gấp 10 lần so với nam giới. Phụ nữ 20-40 tuổi dễ mắc bệnh cường giáp hơn do thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con... Tỷ lệ cao mắc bệnh tự miễn ở nữ cao hơn nam giới, là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp do tự miễn.
Triệu chứng bệnh cường giáp dễ nhầm lẫn với suy nhược cơ thể và các bệnh khác như khó thở, mệt, yếu cơ tay chân, nhịp tim nhanh, run rẩy, lo lắng, giảm cân, tăng khẩu vị, tiêu chảy...
Thời gian chữa cường giáp tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị. Một số phương pháp phổ biến như dùng thuốc kháng giáp giúp ngăn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp. Iod phóng xạ đường uống góp phần phá hủy các tế bào tuyến giáp.
Người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, cường giáp kèm bướu giáp gây nuốt vướng, khó thở... Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp của người bệnh.
Bác sĩ Khuyên lưu ý bệnh cường giáp gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Để phòng ngừa, người có yếu tố gia đình đã có người thân mắc bệnh tuyến giáp nên đi khám mỗi năm để tầm soát và phát hiện bệnh. Người có triệu chứng bệnh cường giáp cần đến bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường điều trị phòng biến chứng.
VietBF@sưu tập