Ông Biden hứng chỉ trích từ Papua New Guinea vì ám chỉ chú ruột bị ăn thịt trong vụ rơi máy bay ở khu vực này 80 năm trước.
Trong buổi viếng đài tưởng niệm cựu binh Mỹ ở Pennsylvania tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden hai lần nói rằng Mỹ không tìm thấy hài cốt của chú ruột ông là Ambrose J. Finnegan, sau khi máy bay rơi gần đảo New Guinea năm 1944 bởi "nơi đây từng có nhiều bộ tộc ăn thịt người".
Phát ngôn của ông Biden đã khiến nhân viên truyền thông của Nhà Trắng bối rối. Theo dữ kiện chính thức từ Cơ quan Thống kê Tù binh chiến tranh (POW) và Quân nhân mất tích khi làm nhiệm vụ (MIA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay chở thượng úy Finnegan "lao xuống biển, không rõ nguyên nhân" ngoài khơi đảo New Guinea. Năm đó, ông Biden mới một tuổi.
Văn phòng Thủ tướng Papua New Guinea James Marape ngày 22/4 ra tuyên bố phản đối việc gắn đảo quốc Thái Bình Dương với hành vi ăn thịt người. Papua New Guinea gồm phía đông của đảo New Guinea và hơn 600 hòn đảo lân cận.
"Tổng thống Biden có thể đã lỡ lời nhưng đất nước tôi không đáng bị gắn mác như thế", ông Marape nói.
Tổng thống Joe Biden viếng Đài tưởng niệm Cựu chiến binh ở Scranton, Pennsylvania, vào ngày 17/4. Ảnh: AFP
Tập tục ăn thịt người được ghi nhận ở các bộ lạc trong vùng hẻo lánh ở khu vực này vào giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, Papua New Guinea (PNG) đã cố gắng xóa bỏ định kiến này trong những năm gần đây và phát ngôn của ông Biden bị người dân quốc gia này chỉ trích.
"PNG không đáng bị coi là kẻ ăn thịt người bởi quá khứ trước đây. Chúng tôi là một phần của nền văn minh nhân loại", một người bình luận trên mạng xã hội X. "Ông ấy đang nói về cái quái gì thế?", một người khác ở thủ đô Port Moresby của PNG nhận xét.
Bộ trưởng Ngoại giao PNG Justin Tkatchenko cảnh báo "nhận xét thiếu hiểu biết" của ông Biden có thể làm suy yếu quan hệ hai nước, mối quan hệ vốn đang thắt chặt trong những năm gần đây khi Washington cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực địa chiến lược ở Thái Bình Dương.
"Những lời nhận xét sai sự thật rõ ràng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm là điểm trừ trong mối quan hệ song phương", Tkatchenko nói.
Theo Đài tưởng niệm Chiến tranh Australia, hàng chục nghìn bình sĩ trong đó có 7.000 lính Mỹ, đã chết tại New Guinea trong các trận giao tranh ác liệt giữa Nhật Bản và lực lượng Đồng minh trong Thế chiến II. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi đây và không thể tìm thấy hài cốt.
Đại sứ quán Mỹ tại PNG ngày 24/4 bày tỏ Mỹ "luôn tôn trọng con người và văn hóa Papua New Guinea, cam kết tăng cường mối quan hệ tôn trọng giữa hai nền dân chủ".