Không chỉ riêng người Mỹ mới cảm thấy kinh hoàng trước vụ xả súng làm thiệt mạng 49 người vừa qua mà ngay cả cộng đồng người Việt đang sống tại đây cũng không khỏi cảm thấy kinh hãi. Dưới đây là những chia sẻ của người Việt tại Mỹ về vụ việc này.
Rạng sáng 12/6, cả nước Mỹ chấn động khi hộp đêm dành cho người đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, bị tấn công.
Kẻ gây ra vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này là Omar Mateen, 29 tuổi, có cha mẹ đến từ Afghanistan. Với một khẩu súng trường AR-15, một súng ngắn cùng nhiều băng đạn, y đã cướp đi sinh mạng của 49 người trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Các nhà điều tra đang nỗ lực làm rõ động cơ của Mateen nhưng cha y cho hay con trai ông từng rất giận dữ khi thấy hai người đồng tính nam hôn nhau. Y cũng đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) trước khi ra tay.
Thay ảnh đại diện trên Facebook có lá cờ nhiều màu của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) và dòng chữ "We are Orlando" để chia sẻ với mất mát của thành phố, nữ luật sư Jenny Đỗ ở bang California cho hay cô rất buồn khi nghe tin.
"Dường như sự kỳ thị lẫn nhau đang gia tăng ở nước Mỹ. Với tôi, người đồng tính phải được có sự tự do quan hệ và những quyền lợi công dân căn bản giống như tất cả mọi người. Một số bang đã công nhận quyền hôn nhân của họ. Họ nên được công nhận như bao người khác", cô nói với VnExpress.
Hoàng Đạt, ở bang Washington, cho hay anh rất sốc trước sự tàn bạo của Mateen.
"Bạn gái tôi cũng là một người Latin ở Florida. Cô ấy đã buồn cả ngày hôm qua đến mức không ăn gì", anh kể. "Cộng đồng LGBT ở đây ai cũng sốc. Chiều qua, họ đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tại công viên trung tâm".
Trong vòng một năm, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ xả súng làm nhiều người thiệt mạng, Jenny cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến vụ việc thảm khốc Orlando là do quyền sỡ hữu vũ khí lỏng lẻo.
Mỹ có nhiều súng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ước tính khoảng 270 - 310 triệu súng đang lưu hành tại Mỹ. Với dân số Mỹ ở khoảng 319 triệu người thì trung bình gần như người Mỹ nào cũng sở hữu súng.
"Hiến pháp Mỹ công nhận quyền sở hữu súng tuy nhiên quyền này đang ở mức quá dễ dãi. Tôi không đồng tình với việc công dân Mỹ được quyền sử dụng các loại súng liên thanh có khả năng gây thương vong lớn trong thời gian ngắn", cô nói. "Rất nhiều người Mỹ đã lên tiếng và đang nỗ lực đấu tranh để chính phủ đưa ra luật mới giới hạn quyền sử dụng súng liên thanh".
Với Hoàng Vũ, ở thành phố Seattle, đây là vụ xả súng lớn nhất kể từ khi anh đặt chân đến Mỹ cách đây vài năm. Vũ cũng cho rằng quyền sở hữu súng ở Mỹ nên được thắt chặt hơn nữa.
"Tôi khá may mắn khi ở một thành phố có tỷ lệ tội phạm thấp nhưng tôi cũng rất hạn chế đi đến những chỗ đông người hay những khu dân cư không an toàn vì lo ngại về vấn đề an ninh", anh nói.
Trái ngược với quan điểm trên, anh Nguyễn Bình, ở Texas, cho rằng những vụ giết người bằng súng diễn ra như cơm bữa ở Mỹ nhưng quyền sử dụng súng không phải là nguyên nhân chính cho tình trạng này.
"Nếu không có quyền sở hữu súng, người Mỹ vẫn có thể tìm mua vũ khí được bán phổ biến ở ngoài chợ đen", anh nói. "Và nếu không có súng, những kẻ thủ ác vẫn có thể sử dụng loại vũ khí khác để tấn công, đa số đó là những người có vấn đề về tâm thần, bị cực đoan hóa".
Từng tận mắt chứng kiến một vụ nổ súng ở siêu thị nhưng anh Đạt cũng không phản đối việc người Mỹ được sử dụng súng.
Anh Minh Đức, ở New York, cho rằng việc Mỹ siết chặt hơn quyền sở hữu súng đạn để tránh lặp lại những vụ thảm sát như trên là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở súng đạn bởi bạo lực vẫn có thể xảy ra dưới hình thức và vũ khí khác.
"Sự thù hằn giữa con người với nhau mới là căn nguyên dẫn tới bạo lực", anh chia sẻ và cho hay mình phản đối quan điểm kỳ thị người đồng tính hay đề xuất cấm người Hồi giáo của ứng viên tổng thống Donald Trump.
"Đây thực sự là một vụ việc tồi tệ trong khi luật pháp đã phần nào chấp nhận hôn nhân đồng giới", anh nói. "Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà chĩa mũi dùi vào người Hồi giáo. Dùng sự sợ hãi và thù hằn để giải quyết bạo lực chỉ châm ngòi cho một cơn bạo lực khác bùng phát mà thôi. Tư tưởng của ông Trump làm tình hình càng phức tạp hơn".
Trong khi chờ đợi giới chức đưa ra kết luận về vụ xả súng, những người Việt ở Mỹ đều cho hay họ không hề sợ hãi bạo lực.
Là một nhiếp ảnh gia trẻ, anh Đức cảm thấy cần phải góp tiếng nói ủng hộ cho cộng đồng LGBT.
"Tôi đang liên lạc với những đôi đồng tính mà mình quen ở New York để mời họ tham gia dự án nhiếp ảnh 'Two kissing men' (Hai người đàn ông hôn nhau). Dự án phi lợi nhuận này sẽ giúp họ vượt qua nỗi lo sợ để tự do thể hiện tình cảm của mình và chống lại sự kỳ thị", anh cho hay.