Trong thành phần củ quả màu cam có chứa chất chống ôxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư, tim và một số bệnh mãn tính khác.
Phát hiện này vừa được công bố trên trang
Asiaone.com. Các nhà khoa học đã chỉ ra, quá trình ôxy hóa của ADN, protein và lipid trong cơ thể cũng là nguyên nhân gây những bệnh mãn tính, trong đó có ung thư. Đóng vai trò "tẩy rửa" cặn bã của quá trình này, các chất chống ôxy hóa trong củ quả có màu cam sẽ giúp ngăn ngừa sự lão hóa cũng như nguy cơ bệnh tật.
1. Cam, bưởi, quýt:
Cam, bưởi, quýt chứa vitamin C, một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất được biết đến hiện nay. Vitamin C còn giúp chống nhiễm trùng và làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh thông thường. Ngoài ra, các loại quả này chứa nhiều folate, một chất giúp ngăn ngừa những vấn đề về dây thần kinh ở trẻ sơ sinh; lycopene, xơ và kali cũng hỗ trợ cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Vì thế ngay hôm nay bạn nên bổ sung thêm thành phần vitamin C vào khẩu phần, đơn giản chỉ cần một quả cam (ăn sống hoặc ép nước) là đủ.
Mỗi ngày nên bổ sung một trái cam vào khẩu phần ăn rất tốt cho cơ thể. Ảnh:
asiaone.
2. Bí ngô:
Màu cam đậm từ trong ra ngoài của trái bí ngô là dấu hiệu sự hiện diện của chất chống ôxy hóa beta-carotene. Chất này khi hấp thu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A có lợi cho da và mắt.
Bí ngô cũng giàu kali giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ. Vì thế bổ sung một bát súp bí ngô vào khẩu phần ăn hàng ngày là rất tốt, có thể nấu với thịt gà hoặc vịt, cho thêm chút muối, tiêu sẽ rất ngon.
Bí ngô. Ảnh:
S.T.
3. Cà rốt:
Người ta còn đặt cho cà rốt biệt danh là beta-carotene (tên của chất chống ôxy hóa). Loại củ này được các chuyện gia đánh giá cao bởi nó giàu chất xơ, beta-carotene, kali, canxi, Vitamin C, D, E, K và B giúp làm sạch cơ thể bằng cách đào thải các độc tố.
Củ cà rốt ăn sống hoặc nấu chín đều tốt. Loại củ ngắn (từ 15 cm trở xuống) có vị ngọt hơn. Hầu hết chất dinh dưỡng trong củ cà rốt nằm ở sát dưới lớp vỏ nên tốt nhất là để nguyên vỏ khi chế biển, chỉ cần rửa thật sạch để đảm bảo vệ sinh.
Cà rốt. Ảnh:
Chinadaily
4. Hồng:
Hồng có chứa catechin và gallocatechines đều là chất chống oxy hóa và chống viêm (thành phần được tìm thấy trong lá chè xanh); axit betulinic, một hợp chất giúp chống viêm và chống virus; Vitamin A, B, beta-carotene, lycopene và zeaxanthin. Các thành phần trong quả hồng còn giúp bảo vệ mắt và ngăn ngừa bệnh vàng mắt.
Loại trái cây này chín vào mùa thu. Khi chọn hồng nên lưu ý lựa những màu cam rực rỡ và không bị bầm dập.
Trái hồng. Ảnh
: Chinadaily
5. Khoai lang:
Khoai lang giàu beta-carotene, Vitamin A, B6 và C. Hơn nữa loại củ này còn cung cấp protein tự nhiên, đường và canxi. Ruột khoai lang thường có màu cam hoặc tím. Trong đó, màu cam đậm là dấu hiệu sự hiện diện của carotenoids, còn màu tím chứa anthocyanins, cả hai đều là chất chống oxy hóa mạnh.
Mặc dù có vị ngọt nhưng khoai lang đã được chứng minh giúp cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể. Cách tốt nhất để nấu chín khoai lang là luộc cách thủy.
Khoai lang có nhiều ở Việt Nam. Ảnh:
taobon.com.
Thi Trân
theo vnexpress