- Cùng với phương thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc, Luật thi hành án hình sự cũng sẽ cho phép thân nhân đưa xác tử tội về mai táng. Những nghĩa trang tử tù vì thế có thể sẽ trở thành quá vãng, khép lại một chương dài trong câu chuyện về trường bắn trước ngày kết thúc.
Những tấm bia biết nói
Giữa đông, những chiếc lá ngô cuối cùng cũng đã rủ xuống, không gian tĩnh lặng. Một nhóm bốn người trẻ thấp thoáng dưới những bụi cây chó đẻ đang mùa rụng quả. Họ nhổ cỏ, đặt trái cây lên một ngôi mộ được kè xung quanh bằng gạch taplô.
Chúng tôi tiến đến gần hơn nhóm người ấy, những cây cỏ vừa được nhổ sạch trên nấm đất không quá cao. Cả bốn người trẻ ấy ngồi vây tròn trên mộ. Những cành violet tím ngắt, hoa mười giờ bung sắc thắm bên cạnh trái cây được đặt rất cẩn thận dưới tấm bia mộ bằng đá được khắc tên giống bất kể tấm bia mộ nào mà chúng tôi nhìn thấy trong cửa hàng khắc bia. Tuy nhiên, cái tên trên tấm bia thì khác rất nhiều: Đặng Văn Ấu.
Người thân chăm sóc phần mộ của tử tù Đặng Văn Ấu ở nghĩa trang Chiềng Mung
Khi đánh dòng tên này trên công cụ tìm kiếm Google, ngay lập tức trong vòng 0,16 giây cho ra 139.000 kết quả. Và đương nhiên những cái tên khác, trong những tấm bia mộ khác ở trường bắn Chiềng Mung này cũng thế, tốc độ nhanh chậm, nhiều ít đều phụ thuộc sự “nổi tiếng” của những vụ án mà chính những cái tên ấy gắn liền.
Hẳn cái tên Đặng Văn Ấu không quá xa lạ với bạn đọc bởi nó gắn ngay phía sau cái tên trong vụ buôn bán, sản xuất ma túy khổng lồ Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn. Giờ thì cả năm người lĩnh án tử hình ấy đều đã mồ yên mả đẹp cạnh nhau, ngay dưới chân núi Chiềng Mung.
Thượng tá Vũ Hữu Sáng, phó giám thị trại giam Sơn La, cho biết: Trường bắn ở đâu nghĩa trang ở đấy, những vụ thi hành án trước đây thường được thực hiện ở nơi xa dân cư và gần các vách núi. Sau khi thi hành án xong thì các phạm nhân cùng một số công an lo việc hậu sự cho tử tù.
Với con số 80% án tử hình tại trại giam Sơn La đều là án ma túy, nghĩa trang Chiềng Mung là nơi mà thân nhân của tử tù có thể đến để nhang khói, tảo mộ bất kể khi nào có điều kiện.
Tuy nhiên, không phải tử tù nào khi nằm xuống cũng đều có được sự chăm sóc như Đặng Văn Ấu. Lẫn trong những đám cây chó đẻ mọc rậm rạp, chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy không ít tấm bia gỗ ghi tên tử tù đã mờ phai vì mưa nắng. Thượng tá Sáng nói đó là những nấm mộ tử tù đã lâu không có người thân lên chăm sóc, có mộ đã quá ba năm sau ngày thi hành án vẫn không có người thân lên xin bốc về.
“Thi thoảng đến dịp thanh minh hay ngày tết anh em trong trại cũng có ra phát quang cho những nấm mộ ấy, nhưng được vài tháng cỏ dại lại phủ đầy” - thượng tá Sáng kể, pha lẫn sự bùi ngùi.
Nơi bình yên cuối cùng
Nghĩa trang trường bắn Cầu Ngà (Từ Liêm, Hà Nội) cũng nằm ngay trong khuôn viên 2ha của trường bắn. Những ngôi mộ xếp thẳng hàng và ngay ngắn trong một khu khá cao ráo và quang quẻ. Nếu so với nghĩa trang Chiềng Mung thì nghĩa trang Cầu Ngà tươm tất hơn hẳn. Sự tươm tất và gần gũi ở đây thể hiện ở những luống rau cải đang lên xanh mơn mởn giữa các ngôi mộ. Hôm qua là ngày tuần, một gia đình nào đó đã đến đây đốt vàng mã cho ngôi mộ mới nhất nghĩa trang này.
Dấu vết để lại bên ngôi mộ là những chân hương còn rất mới cùng một đám cỏ bị cháy đen. Hẳn số vàng mã, tiền bạc được gửi xuống cho người âm nhiều lắm...
Góc xa nhất của ngôi mộ có một cây đa lớn, cạnh đó là một cây nhang ken đặc những chân hương và đầu lọc thuốc lá. Đại tá Bùi Ngọc Bình, giám thị trại giam số 1 Hà Nội, cho biết: “Sai lầm của họ đã được trả bằng chính mạng sống của họ rồi, bởi vậy tôi cho xây cây nhang này làm nơi thờ chung cho họ”.
Dưới chân gốc đa là hàng trăm tấm bia được xếp ngay ngắn. Trung tá Trịnh Đình Hùng (được anh em gọi thân tình là Hùng “cổ mộ”) cho biết đó là những tấm bia của những ngôi mộ đã được cải táng. Đại úy Lê Quý Long, hiện đang công tác tại trường bắn và nghĩa trang, cho biết: “Đầu tháng 11 âm lịch đã có năm ngôi mộ được gia đình cất bốc. Thế là sau những năm “ngụ” tại đây, giờ người ta được về với người thân của mình. Chúng tôi không mong điều gì hơn thế”.
Không giống nghĩa trang Chiềng Mung, nghĩa trang Cầu Ngà có ban quản lý nghĩa trang, có tường cao hơn 2m và rào thép gai bao bọc. Mỗi gia đình thân nhân của những người nằm dưới đất muốn đến thăm đều phải nói tên và trình giấy tờ mới được vào. “Chúng tôi làm thế để đảm bảo an toàn cho những người nằm dưới mộ” - một chiến sĩ trẻ làm nhiệm vụ canh gác ngoài cổng cho biết.
“Nhìn vào bia mộ có thể thấy mức độ sang, hèn của thân nhân những tử tù ấy - trung tá Trịnh Đình Hùng nói - Nhiều tử tù gia đình ở ngay Hà Nội thì dù giàu sang thế nào cũng có người đến dựng bia, làm mộ, đặt bát hương ngay ngắn cùng với hàng gạch vây xung quanh. Nhưng cũng có những ngôi mộ của người thiểu số không được cất bốc hay thăm viếng, ví như mộ của Lường Văn Thanh (Sơn La, thi hành án năm 2004); Sùng A Dê, Sùng A Da (thi hành án năm 1995). Và đương nhiên, nhờ vào sự chăm sóc của những người quản trang tại trường bắn, những ngôi mộ nhỏ nhắn ấy không được làm bia đá, không được xây gạch nhưng được dọn cỏ và hương khói thường xuyên. Trước mỗi ngôi mộ nhỏ nhắn này thường có tấm bia bằng ximăng ghi tên tuổi, quê quán, năm sinh và năm mất. Xấu và đẹp, sang và hèn chỉ khác nhau ở tấm bia hay bát hương mà thôi”.
Tất cả những tên tuổi trên bia mộ tử tù ở Chiềng Mung, Cầu Ngà đều có thể tìm trên công cụ Google bởi những cái tên đó đã có một quá khứ hãi hùng cho cộng đồng. Còn bây giờ, ở nghĩa trang Chiềng Mung hay Cầu Ngà, cũng giống bất kể con người nào khi giã biệt thế gian, những cái tên ấy không còn gây sợ hãi hay ám ảnh về tội lỗi. Bởi đó đã là nơi bình yên cuối cùng cho những linh hồn lầm lạc.
(Còn tiếp)
Theo Hoàng Điệp - Viễn Sự
(Tuổi Trẻ)