Ngày 19/3, đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, trước ý kiến của dư luận đơn vị này hiện đang báo cáo toàn bộ sự việc gửi các cơ quan chức năng.
Việc SCIC, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn cho các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhưng lại mang 19.600 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để lấy lãi, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH cũng cho biết, Ủy ban đang tìm hiểu xung quanh sự việc này.
Ông Phúc khẳng định, khi nào "có tài liệu chúng tôi sẽ thông tin sau".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc SCIC gửi tiền ngân hàng cần công khai minh bạch và SCIC cần giải thích rõ để dư luận hiểu.
Thông tin SCIC đem vốn gửi ngân hàng lấy lại được nêu rõ trong báo cáo doanh thu tài chính của đơn vị này. Báo cáo nêu, năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy các khoản đầu tư tài chính khác hầu như không đáng kể, doanh thu tài chính của SCIC có được là tiền lãi gửi các ngân hàng. Với số tiền lãi thu về 1.568 tỉ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỉ đồng)!
Hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay.
Gửi vào Vietinbank
Năm 2011, báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỉ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm.
Được biết, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỉ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm...
Phân tích vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã cho rằng, đó là cách làm không phù hợp, đi ngược lại với lời tuyên ngôn của mình. Cách làm này không khác nào "một người về hưu không có khả năng đầu tư nào nên mới chọn cách làm như vậy".
"Vậy, thực chất là gì. Tại sao lại như vậy. SCIC nên giải trình rõ", ông Doanh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc SCIC gửi tiền ngân hàng cần công khai minh bạch và SCIC cần giải thích rõ để dư luận hiểu.
Cũng theo bà Lan, “Thực tế SCIC không đem lại nhiều lợi ích như chúng ta mong muốn” do đó, “cần đưa SCIC khỏi Bộ Tài chính, buộc nó phải công khai, chịu sự giám sát như công ty niêm yết” và SCIC nên hoạt động theo đúng mô hình Temasek định hướng ngay từ đầu.
Theo
Hiếu Lam
Đất Việt