Khi đến một địa điểm mới bạn có thói quen gì? Bạn thích khám phá những địa điểm mới hay thử những món ăn ngon? Về vùng biển Đảo Ngọc - Phú Quốc (Kiên Giang) nếu cứ mải mê với những hải sản như tôm, cua, ghẹ, hào, mực… mà quên đi ốc nhảy thì thật là tiếc. Ở những quán ăn nằm rải rác trên đảo đều có món ốc nhảy.
Loài ốc này dù dân dã, bình dị nhưng có thể chế biến nhiều món ăn ngon miệng. Trong đó có món ốc nhảy xào sa tế ngon đáo để.
Cách bắt ốc nhảy của cư dân vùng biển khá vất vả. Cần phải trang bị ống hơi ngậm ở miệng, trước cổ buộc chiếc vợt lưới rồi lặn sâu xuống biển, dùng tay bắt và cho vào vợt. Khi đã đầy, vừa sức chịu đựng nơi cổ thì giật dây, bên trên có người kéo lên. Thường thì người bắt trang bị 2 – 3 vợt cho một lần bắt.
Mùa biển động, ốc nhảy thường nổi lên bờ biển. Khi gặp tiếng động nhạy cảm, chúng hay vươn đầu (xúc tua), trên đầu có một gai nhọn bám chặt vào một mảnh sò, hòn đá để tạo đà nhảy xa. Vì vậy mới có tên ngộ nghĩnh là ốc nhảy.
Ốc nhảy màu nâu hoặc vàng nhạt có khoang, dài bằng ngón tay, miệng rộng, mài bé xíu. Trước khi sơ chế cần phải ngâm ốc nửa ngày vì ốc này háu cát. Nếu không ngâm cho ốc nhả ra sạch chất thì rất khó ăn.
Khi ốc đã ngâm xong, mang đi rửa lại vài lần nữa cho thật sạch thì để vào rổ ráo nước. Sau đó thì ướp gia vị như hạt nêm, muối, đường để thấm đều sâu vào thịt ốc. Độ 5 phút sau khi bắc chảo lên bếp, chấy tỏi băm nhuyễn với bơ, rồi cho ốc nhảy đã ướp gia vị vào. Tiếp đến cho sa tế, sả cắt xéo thành khúc nhỏ. Dùng giá đảo chảo liên tục. Lấy nắp vung đậy chảo 2 phút để hãm hơi, chín sả và thịt ốc. Mở nắp vung ra, lấy giá đảo chảo nhiều lần nữa thì tắt bếp. Ốc nhảy không nên nấu lâu quá, vì như thế thịt nó sẽ thụt vào bên trong rất khó lể.
Thịt ốc nhảy dù ít nhưng bù lại giòn như thịt sứa, ngọt như thịt sò dương. Ngoài những vị đặc trưng ấy thì vị nồng của sả, cay của sa tế, vị béo của bơ sẽ làm nên món ốc nhảy xào sa tế tuyệt vời!
vietbf @ sưu tầm