Khi bị tụt huyết áp ở mức độ nghiêm trọng dễ dẫn đến sốc, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể mất mạng. Nếu thấy dấu hiệu tụt huyết áp, ta cần bình tĩnh nằm xuống chỗ bằng phẳng, nâng chân cao, uống nước đường, nước muối, day huyệt thái dương.
Việc xử trí đúng cách khi bị tụt huyết áp sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn và hạn chế tai nạn, chấn thương. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên của tụt huyết áp, người bệnh có thể tự cứu chính bằng cách cách đơn giản sau:
Từ từ ngồi hay nằm xuống một nơi bằng phẳng, tốt nhất là nằm lên ghế dài hoặc giường và nâng hai chân lên cao. Sau đó nhờ người thân giúp đỡ để uống một cốc nước có vị ngọt hoặc mặn. Trường hợp không có thì uống hai cốc nước đầy. Người bệnh nên dùng tay day hai bên huyệt thái dương cho tới khi cơ thể hồi phục trở lại.
Mặc dù đã cảm thấy đã bình thường, muốn đứng lên người bệnh phải thực hiện chậm rãi, tránh thao tác nhanh khiến huyết áp chưa thực sự ổn định bị tụt trở lại.
Trường hợp người bệnh kèm theo các triệu chứng như sốt cao, ăn kém, lú lẫn, hoặc không cảm thấy khỏe hơn sau khi nghỉ ngơi... cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu người bị tụt huyết áp thường phải làm việc trên cao, hoặc là lái xe, phi công,... cần đến bệnh viện tầm soát kỹ hơn nguyên nhân.
Đo huyết áp là cách đơn giản để xác định tình trạng tụt huyết áp. Ảnh: Thư Anh.
Tụt huyết áp, hay hạ huyết áp xảy ra khi áp lực máu lên thành động mạch đột ngột giảm xuống mức thấp so với mức bình thường, khiến các cơ quan, đặc biệt là não, bị thiếu máu. Căn bệnh này là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương té ngã, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện bất chợt. Thường gặp nhất khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột, đứng lên ngồi xuống, khi trời quá nóng hoặc làm việc nặng, đổ mồ hôi nhiều, bác sĩ Quyền cho hay.
Dấu hiệu đặc trưng của tụt huyết áp gồm chóng mặt, đầu óc quay cuồng, thị lực giảm, da tái nhợt, buồn nôn, khát nước, tim đập nhanh, lạnh tay chân, nặng hơn là ngất xỉu.
*VietBF@sưu tập