Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trong nhóm G7 tăng trưởng âm trong năm 2023.
Kinh tế Đức đang đứng trước nhiều khó khăn. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dự báo sẽ là rơi vào suy thoái trong năm nay và lĩnh vực công nghiệp từng phát triển mạnh mẽ đang mất dần sức cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, theo các chuyên gia, chính là sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng giá rẻ.
Rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý I, không tăng trưởng trong quý II và theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trong nhóm G7 tăng trưởng âm 0,2% trong năm 2023.
Ông Christian Kullman, Giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất lớn thứ 2 nước Đức Evonik, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga đã bị cắt đứt và hiện Đức chưa tìm được phương án thay thế.
"Nước Đức đã từng được hưởng lợi từ nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga. Hiện nay nguồn cung đó đã mất. Sự mất mát này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình kinh doanh của kinh tế Đức", ông Christian Kullman, Giám đốc điều hành Tập đoàn hóa chất Evonik, cho biết.
Một số nhà phân tích cho rằng nước Đức đang đối diện với tình trạng phi công nghiệp hóa.(Ảnh minh họa - Ảnh: Evonik Industries)
Giá khí đốt tại Đức đã tăng gấp đôi so với năm 2021, làm đội lên chi phí của các nhà máy cần phải tiêu tốn lượng lớn điện năng, hoạt động trong các ngành sản xuất thủy tinh, giấy, kim loại sử dụng để làm ra những chiếc xe ô tô và các công trình xây dựng. Đây đều là xương sống của ngành kinh tế Đức.
Để giải bài toán năng lượng, chính phủ Đức quyết định đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tiến trình này đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng, chủ yếu do thủ tục giấy tờ phức tạp. Kế hoạch trị giá 10 tỷ Euro nhằm đưa điện gió từ khu vực nhiều gió ở miền Bắc đến trung tâm công nghiệp ở miền Nam đã bị lùi thời hạn hoàn thành từ năm 2022 sang năm 2028.
"Trong tương lai, ngành công nghiệp Đức sẽ cần nhiều điện năng hơn cả ngày nay. Chúng ta là một quốc gia công nghiệp, chúng ta tiêu thụ rất nhiều điện năng. Nhưng mục tiêu của chúng ta là một quốc gia công nghiệp trung hòa carbon và như vậy điện càng trở nên quan trọng hơn", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh.
Một vài nhà phân tích đã đi xa đến mức cho rằng nước Đức đang đối diện với tình trạng phi công nghiệp hóa, theo đó nhiều công nghiệp truyền thống sẽ bị lụi tàn do chi phí sản xuất quá cao. Một trong những giải pháp được các tổ chức nghiên cứu kinh tế Đức đề ra là tìm kiếm các mô hình phát triển mới ít phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay. Tuy nhiên, quá trình này được nhận định sẽ không hề dễ dàng và cần nhiều thời gian.
VietBF@ Sưu tập