Quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định yen có thể mất giá hơn nữa, do đồng tiền này yếu đi vì chính sách lãi suất âm.
"Về đồng yen, quan điểm của chúng tôi là tỷ giá đang bị chi phối bởi các yếu tố nền tảng. Miễn là lãi suất vẫn chênh lệch, yen còn đối mặt với sức ép giảm", Sanjaya Panth - Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IMF cho biết hôm 14/10.
Giới chức Nhật Bản đang đối mặt với sức ép mới về việc ngăn đồng yen giảm sâu hơn nữa. Nhà đầu tư hiện đặt cược vào lãi suất tại Mỹ sẽ ở mức cao thời gian dài, trong khi Nhật Bản vẫn duy trì chính sách lãi suất âm.
Tuy nhiên, IMF cho rằng việc can thiệp chỉ hợp lý khi thị trường có sự bất thường nghiêm trọng, rủi ro bất ổn tài chính tăng cao, hoặc dự báo lạm phát thay đổi đột ngột. "Tôi không cho rằng 3 trường hợp này đang tồn tại", ông nói khi được hỏi liệu đà giảm của yen gần đây có khiến giới chức phải can thiệp hay không.
Tháng 9 và 10 năm ngoái, Nhật Bản mua yen để hỗ trợ giá nội tệ. Khi đó, yen xuống thấp nhất 32 năm so với USD, về 151,9 yen đổi một đôla Mỹ. Đây là lần đầu tiên họ can thiệp vào thị trường kể từ năm 1998.
Hôm 13/10, một đôla Mỹ đổi được 149,5 yen. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đến nay vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%, bất chấp làn sóng nâng lãi trên thế giới và lạm phát đã trên mục tiêu 2% hơn một năm qua.
Thống đốc Kazuo Ueda cho rằng họ vẫn cần giữ lãi suất siêu thấp cho đến khi lạm phát duy trì ở mức hiện tại, nhờ nhu cầu mạnh và lương tăng ổn định.
Panth cho rằng lạm phát tại Nhật Bản sẽ tăng tốc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông nhận định "hiện tại chưa phải là lúc" BOJ nâng lãi suất ngắn hạn. Nguyên nhân là giới chức chưa đánh giá được nhu cầu toàn cầu suy giảm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản như thế nào.
|