Hạt chia giàu chất xơ và dinh dưỡng nhưng có thể tương tác với thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường, chống đông máu.
Tuy có kích thước nhỏ, hạt chia chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng. Hạt chia là nguồn axit béo không bão hòa đa thực vật tốt, bao gồm axit béo omega-3, có thể giúp giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol và ngăn ngừa viêm, cùng nhiều lợi ích khác. Hạt chia còn bổ sung chất chống oxy hóa tốt, giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào liên quan đến bệnh mãn tính.
Hạt chia cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan và tạo thành chất giống như gel khi tiếp xúc với chất lỏng. Do hàm lượng chất xơ dồi dào (28 gam chứa 10 gam chất xơ), hạt chia có thể giúp tăng cảm giác no, giảm cholesterol xấu (LDL) và cải thiện tình trạng đi ngoài.
Mặc dù tốt cho sức khỏe, hạt chia cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả của chúng. Do đó hãy tìm hiểu về các loại thuốc nên dùng và những biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn khi tiêu thụ loại hạt này.
Tương tác giữa hạt chia và các loại thuốc
Thuốc điều trị huyết áp
Các chất chống oxy hóa và peptide trong hạt chia có thể hoạt động như chất ức chế ACE tự nhiên (một loại thuốc hạ huyết áp phổ biến) để giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch. Bản thân điều đó đã là một lợi ích, nhưng ăn hạt chia trong khi dùng thuốc hạ huyết áp có thể làm giảm huyết áp nhiều hơn mong đợi.
Thuốc chống đông máu và thuốc kháng tiểu cầu
Hạt chia có thể có đặc tính kháng tiểu cầu, ngăn ngừa cục máu đông xâm nhập vào máu. Hạt chia giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, nhưng nếu bạn cũng đang được điều trị bằng thuốc làm loãng máu, tiêu thụ cả hạt chia có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Dược sĩ Ronald Smith cho biết: "Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng tiểu cầu, hãy thận trọng".
Thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Hạt chia là một lựa chọn thông minh nếu bạn đang kiểm soát lượng đường trong máu, vì chất xơ của chúng làm chậm quá trình tiêu hóa. Có bằng chứng cho thấy hạt chia làm giảm lượng đường huyết sau khi ăn và chúng cũng có khả năng được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường do đặc tính chống oxy hóa, chống viêm.
Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, chẳng hạn như insulin, hãy theo dõi lượng đường huyết phản ứng như thế nào với các bữa ăn và đồ ăn nhẹ chứa hạt chia, vì hạt chia có thể làm giảm chỉ số này quá nhiều. Tiến sĩ Robert Graham, bác sĩ y khoa nội khoa và y khoa tích hợp và là người sáng lập Fresh Medicine, cho biết: "Nếu bạn mới sử dụng hạt chia và đang dùng insulin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì bạn có thể cần phải điều chỉnh liều lượng".
Tác động của hạt chia lên quá trình hấp thụ thuốc
Nhìn chung, do hạt chia có khả năng hạ huyết áp, kháng tiểu cầu và giảm lượng đường trong máu, nên có thể có tác dụng cộng gộp giữa hạt chia và các loại thuốc điều trị những tình trạng này. Nói cách khác, huyết áp hoặc lượng đường trong máu có thể giảm quá thấp khi bạn kết hợp cả hai.
Chất xơ có thể làm chậm quá trình hấp thụ một số loại thuốc nhất định. Nếu bạn thường xuyên ăn nhiều hạt chia, hãy hỏi bác sĩ xem có nên giãn cách thời gian giữa việc ăn hạt chia và uống thuốc hay không.
Các biện pháp phòng ngừa và khuyến nghị
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào ở trên và muốn kết hợp hạt chia vào chế độ ăn uống, hãy cân nhắc một số điều sau:
Trước hết, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe khi thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào về chế độ ăn uống, bao gồm cả việc dùng thực phẩm bổ sung. Bạn cũng có thể trao đổi với dược sĩ về bất kỳ tương tác thuốc - thực phẩm nào mà bạn có thể gặp phải. Đừng ngại hỏi xem hạt chia có an toàn cho bạn không.
Nếu chưa từng ăn hạt chia hoặc chưa ăn chúng kể từ khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào ở trên, Graham khuyên bạn nên "bắt đầu với lượng thấp và tăng dần".
|