Nhiệt độ đại dương tăng lên do biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các cơn bão, trong đó có bão Milton và bão Helene, phát triển nhanh hơn và mạnh hơn.
Trong vòng chưa đầy hai tuần, hai cơn bão lớn với sức mạnh dữ dội đã hình thành ở vùng vịnh Mexico, hải vực nằm giáp eo biển Florida, miền nam nước Mỹ.
Đầu tiên là cơn bão Helene mang theo những trận mưa xối xả tiến sâu vào lãnh thổ nước Mỹ hàng trăm dặm so với điểm đầu tiên khi nó đổ bộ vào đất liền, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Và giờ đây, bão Milton mạnh lên từ bão nhiệt đới thành bão cấp 5 trên thang đo năm cấp của Mỹ trong vòng một ngày và đang tiến dần về bờ biển Florida. Theo báo Washington Post, Milton cũng được xếp hạng là cơn bão mạnh thứ năm từng đổ bộ vào nước Mỹ.
Các chuyên gia thời tiết dự báo bão Milton có thể giảm nhẹ cường độ đôi chút khi đổ bộ vào vịnh Tampa, bang Florida, đông nam nước Mỹ, nhưng vẫn có thể khiến sóng biển dâng cao từ 3m đến hơn 4,5m.
Bão ngày càng mạnh hơn do đâu?
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, Milton là cơn bão mạnh lên nhanh thứ ba từng ghi nhận ở Đại Tây Dương.
Sức mạnh của một cơn bão phụ thuộc phần lớn vào điều kiện khí quyển trên mặt biển và nhiệt độ đại dương. Ví dụ, không khí khô có thể làm suy yếu một cơn bão, hoặc khi nhiệt độ đại dương ấm nóng sẽ bổ sung thêm năng lượng vào cơn bão, tăng tốc độ gió làm tăng lượng mưa.
Báo Washington Post dẫn lời các nhà khoa học cho biết cần rất nhiều nguyên nhân để hình thành một cơn bão, nhưng nguyên nhân chính khiến tần suất xuất hiện bão ngày một nhiều, cũng như cường độ bão ngày càng mạnh hơn và tốc độ bão phát triển ngày càng nhanh hơn là biến đổi khí hậu do con người gây ra.
“Sóng nhiệt trên biển giống như những con quái vật đến từ tương lai. Chúng ta nên chuẩn bị trước con quái vật này, nó sẽ làm xuất hiện nhiều cơn bão nhiệt đới hơn và khiến các cơn bão mạnh hơn”, ông Soheil Radfar - nhà nghiên cứu về biển tại Đại học Alabama ở thành phố Tuscaloosa, thuộc bang Alabama - phân tích.
Nhiệt độ nước biển ở khu vực vịnh Mexico được ghi nhận trong mùa hè vừa qua đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hơn nữa, những tuần gần đây vùng biển vịnh Mexico cũng ghi nhận những đợt sóng nhiệt cao đột ngột.
Khi nhiệt độ tăng cao, lượng hơi nước bốc hơi từ biển nhiều hơn, từ đó thúc đẩy các cơn bão phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và gây mưa nhiều hơn, tương tự như những gì giới chức địa phương ghi nhận ở bão Helene và trước thềm cơn bão Milton.
Theo báo Guardian, một nghiên cứu được công bố năm 2023 cho thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương hiện nay có khả năng mạnh lên nhanh hơn khoảng 29% so với những cơn bão trong giai đoạn 1971 - 1990.
Bão Milton vẫn được cảnh báo kịp thời
Theo NDTV, mặc dù bão Milton được dự đoán là rất mạnh, nhưng các chuyên gia thời tiết đã kịp thời phát hiện và cảnh báo khi nó cách đất liền vài ngày. Điều này đã giúp những cộng đồng dân cư Florida có cơ hội sơ tán đến nơi an toàn kịp thời từ sáng 7-10.
Năm 2023, một cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương đột ngột mạnh lên thành bão cấp năm chỉ vài giờ trước khi nó đổ bộ vào miền tây Mexico và được đặt tên là Otis. Cơn bão này đã khiến hàng chục người chết.
Cơn bão ở Đại Tây Dương có tốc độ phát triển nhanh nhất từng được ghi nhận là bão Wilma - cơn bão cấp năm ở thời điểm đổ bộ vào bán đảo Yucatan hồi tháng 10-2005. Xếp vị trí thứ hai là bão Felix vào năm 2007.
|