Nga đang ráo riết chuẩn bị cho khả năng chiến tranh có thể xảy ra. Tổng thống Obama trước khi hết nhiệm kỹ cũng quyết định nâng cấp hệ thống vũ khí mặt đất cũng như trên biển. Tất cả là nhằm đáp trả các hoạt động được cho là chuẩn bị chiến tranh của Nga, theo đánh giá của các chuyên gia.
Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ Ashton Carter tuyên bố hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ (ATACMS) sẽ được nâng cấp để có khả năng tấn công các mục tiêu di động với độ chính xác cao.
Người đứng đầu Phòng Các Khả năng chiến lược của quân đội Mỹ, Will Roper, người chịu trách nhiệm nâng cấp hệ thống tên lửa cũng tuyên bố: "Làm thế nào bạn đáp trả kẻ địch? Việc đơn giản nhất có thể làm đó là, cho họ thấy những khả năng vượt trội của bạn. Chúng tôi cho rằng, việc công bố về việc nâng cấp ATACMS cho quân đội là quan trọng bởi đã có nhiều yêu cầu quân đội làm như vậy".
ATACMS do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất là loại tên lửa đất đối đất chiến thuật tầm xa duy nhất của Mỹ có tầm bắn lên đến 300km, vốn được dùng để bắn phá sân bay, các hệ thống đất đối đất, pháo binh và trung tâm chỉ huy.
Điểm mạnh của loại tên lửa này là có thể phóng từ bệ phóng pháo phản lực bắn loạt M270 hoặc HIMARS. Mỗi container tiêu chuẩn của ATACMS chứa 6 đạn tên lửa tương tự một pháo phản lực bắn loạt. ATACMS sử dụng hệ thống dẫn hướng kết hợp quán tính và định vị toàn cầu GPS. ATACMS được xem là đối thủ của Iskander-M, tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất được trang bị trong Quân đội Nga hiện nay.
Hệ thống ATACMS từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq. Trong chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, hơn 450 tên lửa ATACMS đã được bắn.
Động thái nâng cấp ATACMS diễn ra sau khi quân đội Nga tung ra mẫu trực thăng tấn công tiên tiến nhất thế giới được gọi là "Kẻ săn đêm" (Night Hunte) thế hệ thứ 5 đồng thời có một loạt hành động bị phương Tây cáo buộc là "chuẩn bị cho chiến tranh" như tổ chức diễn tập chiến tranh hạt nhân...
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng bật đèn xanh cho việc nâng cấp bom hạt nhân cho các máy bay ném bom Mỹ, bao gồm mẫu B-2 Sprit. Mặc dù ra đời từ những năm 1980, song các máy bay ném bom B-2 vẫn là một phần không thể thiếu của Không quân Mỹ cho tới năm 2050.
Chính quyền Obama cũng bật đèn xanh cho việc nâng cấp máy bay ném bom B-2
Theo đó, sau khi được nâng cấp, B-2 có thể được vũ trang các loại bom hạt nhân thế hệ mới như B-61 Mod 12 và tên lửa hành trình tầm xa (LRSO). Radar kỹ thuật số trên B-2 cũng sẽ được nâng cấp, và điều này có nghĩa là máy bay này có thể ném bom ở một độ cao cao hơn.