VBF-Nuôi con ở Mỹ rất tốn kém ai cũng biết, nên nhiều người bây giờ độc thân không chịu đẻ con. Theo tính toán thì mỗi con sinh ra và lớn lên 18 tuổi tốn 233 ngàn Mỹ kim, 2 con thì cũng gần nửa triệu Mỹ kim rồi.
Nuôi hai đứa sẽ tốn gần nửa triệu Mỹ kim cho đến khi con trưởng thành. (Getty Images)
Hiện nay cha mẹ phải tốn gần một phần tư triệu Mỹ kim để nuôi dạy một đứa con ở Mỹ.
Theo một bản phúc trình mới của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, chi phí trung bình ước tính nuôi một đứa con, sinh ra trong năm 2015 cho tới năm 17 tuổi, đã tăng lên tới $233,610, tức là tăng 3 phần trăm từ năm 2014.
Bản phúc trình thường niên này, được USDA soạn thảo từ năm 1960, từ lâu đã là nguồn cho các cơ quan chính phủ, để giúp xác định những mức chu cấp cho con cái và cải tiến những hướng dẫn về việc chăm sóc.
USDA theo dõi bảy thể loại, từ việc vận chuyển cho đến quần áo, nhưng không bao gồm những khoản chi phí hàng năm ở trường đại học, hoặc bất kỳ sự trợ giúp nào nhận được từ chính phủ.
“Bản phúc trình này, mà chúng tôi đưa ra trong 55 năm nay, đem lại cho các gia đình một nhận thức rõ hơn về những khoản chi phí mà có lẽ họ gặp phải. Bản phúc trình này được dùng làm một dụng cụ quý giá cho việc lập kế hoạch tài chánh và các chương trình giáo dục, cũng như cho các tòa án và các chính quyền tiểu bang.” Ông Kevin Concannon, thứ trường đặc trách các dịch vụ thực phẩm, dinh dưỡng và giới tiêu thu, cho biết như vậy.
Bản phúc trình kết luận rằng gia đình nào càng giàu thì càng chịu nhiều tốn kém để nuôi dạy con cái. Bản phúc trình cũng nêu một số chênh lệch giữa những gia đình thuộc các nhóm thu nhập khác nhau.
Tính trung bình, những gia đình giàu có hơn chi tiêu nhiều hơn gấp đôi, so với các gia đình nghèo, cho tổng số chi phí nuôi dạy con cái trong năm 2015, với một tỷ lệ cao hơn trong việc chăm sóc con cái và giáo dục. Nhưng đối với những gia đình có mức thu nhập thấp, dinh dưỡng được xếp hạng là chi phí lớn đứng hàng thứ nhì.
Cuộc nghiên cứu cho biết rằng một mức gia tăng trong số lượng phụ nữ ở trong lực lượng lao động có lẽ gây ra một nhu cầu lớn hơn cần tới việc chăm sóc trẻ em. Điều này dẫn đến chuyện gia tăng chi phí giáo dục. Đồng thời, những khoản chi phí mua xăng đã giảm bớt.
Mark Lino, kinh tế gia của USDA viết bản phúc trình ấy, nói với Bloomberg, “Những chuyến người ta đi coi các trận đá banh, lái xe chở con cái đi quanh, đều rẻ hơn. Chi phí dành cho việc chăm sóc con cái và giáo dục đã thực sự tăng lên trong các nhóm có mức thu nhập cao hơn.”
Tuy nhiên, trong tất cả các nhóm thu nhập, tiền nhà vẫn là khoản chi phí lớn nhất trong tổng chi phí nuôi dạy con cái, chiếm 29 phần trăm trong tổng chi phí.
Angie Tagtow, giám đốc điều hành Trung Tâm Chính Sách Dinh Dưỡng Và Thăng Tiến tại USDA, nói, “Nhưng trong khi chi phí nhà ở tăng lên theo thời gian, những thay đổi trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ đã dẫn đến mức chi phí thấp hơn dành cho thực phẩm. Ngân sách thực phẩm gia đình hiện thời chiếm một tỷ lệ thấp hơn trong mức thu nhập của gia đình.
Nhiều người ưa chuộng quần áo trẻ em mang huy hiệu của nhà thiết kế. Thế nhưng cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng việc chi tiêu cho quần áo và các món đồ linh tinh dành cho trẻ em đã giảm bớt trong 55 năm qua. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng những kết quả như vậy là do những bước thay đổi về công nghệ và toàn cầu hóa, làm cho y phục trở nên đỡ tốn kém.
Địa điểm của ngôi nhà là quan trọng. Các gia đình sống ở miền Trung Tây đô thị, và ở những khu vực nông thôn, đều chi tiêu ít nhất cho việc nuôi dạy con cái. Các gia đình ở miền Đông Bắc đô thị cho tiêu nhiều nhất. Tuy vậy tiến sĩ Lino nói rằng số lượng con cái mà một gia đình có cũng đã tác động khá nhiều đến những khoản chi phí.
Ông Lino nói, “Khi các gia đình tăng kích thước, con cái có thể chia sẻ một phòng ngủ, quần áo và đồ chơi có thể được dùng lại, và thực phẩm có thể được mua với khối lượng lớn hơn và tiết kiệm hơn.”