Thanh long Bình Thuận rớt giá, được bày bán trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Thanh Long giá bán rẻ như cho nhưng vẫn không có người mua. Theo người bán Thanh Long cho biết.
Những ngày qua, tại TP.HCM, trên các tuyến đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Đỗ Xuân Hợp (quận 9),… các điểm bán thanh long Bình Thuận xuất hiện ngày càng nhiều.
“Thanh long rẻ bèo, chỉ 5.000 – 8.000 đồng/kg, nhưng khách cũng khá thưa thớt. Trong khi đó, thanh long phơi nắng cả ngày bắt đầu héo dần”, chia sẻ với Người Đưa Tin một người bán thanh long trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) cho biết.
Không chỉ các điểm bán rong, tại nhiều chợ, giá thanh long cũng đang rớt thảm hại. Hiện tại, chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp), giá loại trái cây này chỉ dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg loại đẹp, hàng dạt hoặc trái nhỏ được bán xổ với chỉ 5.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Bình Thuận, hiện, giá thu mua thanh long tại nhiều nhà vườn ở Bình Thuận chỉ ở mức từ 500-1.000 đồng/kg. Giá quá thấp đã khiến nông dân lỗ nặng trong vụ này. Thậm chí, nhiều vườn thanh long chín đỏ cành, đến ngày thu hoạch nhưng vẫn không có người đến hỏi mua.
Nhiều nông dân cho rằng, với chi phí đầu tư lớn, nhất là những hộ chong đèn, mỗi kg thanh long bán ra thị trường với giá từ 10.000 đồng họ mới mong có lãi. Vì vậy, đây là vụ mùa mà nhiều gia đình đầu tư cho thanh long ở Bình Thuận đang khóc ròng.
Điều này là bất thường vì cách đây nửa tháng, thanh long vẫn được thu mua với giá 20.000-25.000 đồng/kg.
Ông Trần Xuân Minh, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho biết, ngoài các thị trường khác, thanh long xuất đi Trung Quốc là chủ yếu.
Theo ông Minh, yêu cầu về chất lượng hàng hóa khi xuất sang Trung Quốc thường không cao, không khắt khe nên khá dễ dàng cho các nhà vườn Việt Nam, dẫn đến tình trạng trồng ồ ạt. Đến lúc phía Trung Quốc không nhập hàng thì khủng hoảng thừa và giá quá thấp là điều khó tránh khỏi.
Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.
Trong đó, hơn 80% đều được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này không tiếp nhận, người trồng thanh long không còn nơi tiêu thụ.
Không riêng Bình Thuận, nông dân một số khu vực khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang điêu đứng vì thanh long rớt giá và không tìm được đầu ra. Hiện các kho trữ thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc đã quá tải nên không còn chỗ cho những nơi khác.
Trong một hội thảo gần đây về nông sản Việt, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang là thị trường tiêu thị nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó có trái thanh long.
Tuy nhiên, thay vì xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nước chủ yếu dùng con đường tiểu ngạch (biên mậu) thông qua biên giới.
Các chuyên gia cho rằng hình thức xuất khẩu này không bền vững và luôn rình rập nhiều rủi ro. Để không vướng phải tình cảnh “được mùa mất giá”, nông dân cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường, ngày càng chú trọng chất lượng hơn là sản lượng làm ra.