Tôi ngạc nhiên khi thấy đống chén bát nằm ngổn ngang trong bếp.
- Hôm qua trèo lên lau bàn thờ, bác bị ngã trật tay. Nay đau quá, không nhấc tay lên được!
Bác vừa kể, mặt vừa nhăn nhó vì đau. Một sợi dây vải nhỏ, vòng từ cổ xuống, cột cố định cái tay phải của bác lại. Còn một tay nhưng bác tôi vẫn cố gắng lấy hai phần ăn sáng vừa mua về, bày ra bàn. Tôi đoán bác chuẩn bị bữa sáng cho con trai và con dâu mới.
Nhìn điện thoại thấy đã hơn 9 giờ sáng, một cô bạn của bác vội hỏi.
- Con dâu của chị đâu, sao không bảo nó xuống phụ chị?
- Hôm qua nhà đãi tiệc muộn quá nên vợ chồng nó còn ngủ…
Bác tôi ngượng ngùng lên tiếng. Tức thì một cô khác cùng cảnh ngộ giãi bày thay.
- Thời nay, mẹ chồng phải nhìn mặt con dâu mà sống…chứ không giống ngày xưa đâu!
Bỗng giọng cô ấy trở nên buồn bã, khi kể lại chuyện một tháng trước, vì bất đồng với con dâu mới mà con trai cô đã quyết định đưa vợ ra ở riêng.
Nghe xong chuyện, gương mặt bác tôi thoáng lo lắng. Bác chỉ có mỗi cậu con trai duy nhất. Có lẽ, bác tôi luôn thầm lo sợ cảnh con cái bỏ rơi, tuổi già cô độc.
Từ khi đi học đến khi ra trường đi làm, anh họ tôi vẫn có thói quen đi về là vào phòng riêng đóng cửa. Ngày qua ngày, hai vợ chồng bác cứ phải thay nhau cơm bưng nước rót cho anh. Trong nhà, anh chẳng bao giờ đụng tay, đụng chân bất kỳ việc lớn nhỏ nào.
Điều tôi chẳng ngờ, sau khi anh cưới vợ, bác tôi lại lo thêm phần cơm nước cho cả con dâu. Nhưng hai vợ chồng bác chẳng thể trách con dâu được. Vì con trai ứng xử với hai bác ra sao thì con dâu cũng sẽ trông vào đó để mà cư xử theo.
Khi tôi chuẩn bị ra về, có tiếng bác từ trong nhà tắm gọi vọng ra: “Cột giúp bác cái tóc với!”.
Nhìn bác một tay loay hoay với búi tóc xổ ra bù xù mà không cách nào cột gọn lại được, tôi bỗng thấy thương cảm cho bác. Chẳng biết bác còn chịu đựng cảnh một mình làm mọi thứ đến bao giờ, khi mỗi ngày tuổi một cao? Và nếu sau này, bác tôi không thể chịu đựng được thì sao?
VietBF©sưu tập