Công ty tư vấn Oxford Economics ngày 21/5 công bố Chỉ số các thành phố toàn cầu, đánh giá toàn diện về 1.000 thành phố hàng đầu thế giới về khía cạnh kinh tế.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Oxford Economics đánh giá dựa vào 27 chỉ số để xác định New York, London và San Jose là những thành phố đứng đầu danh sách với 50 vị trí đầu tiên đều thuộc về Mỹ và châu Âu. New York (Mỹ) có nền kinh tế lớn nhất so với bất kỳ thành phố nào trên thế giới tính đến nay. Với sự tăng trưởng ổn định, thành phố này đứng đầu về tiêu chí kinh tế.
Trong khi đó, London (Anh) mạnh nhất về nguồn nhân lực, nhờ có nhiều trường đại học hàng đầu và là nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp toàn cầu. Còn Grenoble (Pháp) có chất lượng cuộc sống tốt nhất nhờ không có tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Tuy nhiên, 2 thành phố dẫn đầu lại có thứ hạng thấp về chất lượng cuộc sống, với New York đứng ở vị trí 278 và London xếp hạng 292.
Ngoại trừ Tokyo, thành phố ở vị trí thứ 4, thành phố tiếp theo của châu Á trong danh sách là Seoul ở vị trí thứ 41 và Singapore ở vị trí thứ 42. Các thành phố của Australia đứng ở các vị trí cao hơn, với Melbourne ở vị trí thứ 9, Sydney thứ 16 và Perth thứ 23.
Chỉ số trên được đưa ra dựa trên 5 tiêu chí là kinh tế, nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống, môi trường và quản trị, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố kinh tế như GDP và tăng trưởng việc làm.
Giám đốc phụ trách các dịch vụ về các thành phố của Oxford Economics, ông Mark Britton, nói rằng Chỉ số các thành phố toàn cầu tạo cơ sở nhất quán cho việc đánh giá điểm mạnh và yếu của 1.000 thành phố lớn nhất trên thế giới và kết hợp với các dự báo sẽ cho phép các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định chiến lược.
VietBF@ sưu tập