“Ít ai trong giới chính trị bị chỉ trích thường xuyên như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Người bị cho là lãnh đạo bù nhìn của chế độ tham nhũng – Nhưng ông hóa ra lại là một chính khách rất thân thiện”. ( BBC, 2-4-1973 )
Hội nghị thượng đỉnh Midway : Nixon cho biết sẽ rút quân
Năm 1969, ngày 8-6, tân Tổng thống Mỹ Nixon và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hẹn gặp nhau tại Midway. Trước đó Tổng thống Thiệu đòi hỏi phải có thông cáo chung sau cuộc họp, mà trong thông cáo chung phải nêu rõ Mỹ cam kết không chấp nhận một chính phủ liên hiệp với Cọng sản như Johnson đã hứa trước khi Việt Nam thuận gởi phái đoàn đi Paris.
Cuộc họp diễn ra ngắn ngủi và có vẻ riêng tư, chủ yếu chỉ là vấn để rút quân của Hoa Kỳ. Đặc biệt là Tổng thống Thiệu chấp nhận một đường dây mật đàm giữa Mỹ và Hà Nội bên ngoài Hội nghị Paris, tuy nhiên phía VNCH phải được thông báo diễn tiến của các cuộc mật đàm.
*Chú giải :
Quyết định rút quân Mỹ trong lúc này lại là một điều rất khó xử đối với Tổng thống Thiệu. Trước đây Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng như các nhà quân sự Việt Nam cũng không muốn Mỹ đưa quân vào Việt Nam bởi vì họ tự thấy dư sức chống lại du kích quân Cọng sản nếu như Mỹ trang bị cho họ vũ khí đầy đủ.
Thế nhưng giờ đây, 1969, quân đội CSVN trở thành lớn mạnh với vũ khí tối tân của Liên Xô và Trung Cọng, thừa sức chống trả với quân đội Mỹ thì việc Mỹ “Tháo chạy”, giao chiến trường lại cho quân đội VNCH là chuyện khó khăn sống còn đối với nhân dân Miền Nam Việt Nam.
Lịch trình rút quân từ 325 ngàn xuống còn 85 ngàn trong vòng hơn 1 năm trời khiến cho một chiến lược gia nổi tiếng của Mỹ là Thứ trưởng bộ Quốc phòng Eris Von Marbod đã ví von cuộc rút quân của Mỹ giống như : “Chín người đàn bà cùng mang thai trong một tháng để sinh ra một đứa con”. Nghĩa là quân đội VNCH không kịp lớn mạnh để có thể đảm nhận nhiệm vụ quá nặng của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên vì là một nhà quân sự từng chiến đấu với quân đội CSVN hơn 20 năm, Tướng Nguyễn Văn Thiệu và các nhà quân sự Việt Nam biết được quân đội VNCH thừa sức chiến thắng quân đội CSVN.
Một điều đơn giản mà ai cũng biết là quân đội Việt Cọng chỉ là tập hợp những người không có học thức, cho nên họ không có mưu lược; một khi đối diện với chiến tranh hiện đại thì họ chỉ biết nhào tới trước với chiến thuật biển người của ông Mao Trạch Đông ( Cảm tử quân ) chứ không có một chiến thuật nào khác.
Trận tổng công kích Mậu Thân của quân CSVN đã chứng minh quân đội VNCH thừa sức tiêu diệt quân CSVN mặc dầu quân CSVN được trang bị vũ khí cực kỳ tối tân là AK.47 và B.40, B.41 cũng như hỏa tiễn địa địa 107 ly, 122 ly. Lúc mà Nguyễn Văn Thiệu bình thản bàn chuyện Mỹ rút quân với Nixon thì trên thực tế ngoài chiến trường Miền Nam quân CSVN đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng đó hết 80 % là do quân đội VNCH chứ quân CSVN không hề đụng tới quân Mỹ.
Thiệu cay đắng :
Sau này cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng rằng ông không mấy hài lòng bởi vì cuộc gặp gỡ tại Midway được tổ chức quá sơ sài trong một địa phương vắng con mắt nhìn của báo chí. Không xứng đáng với món nợ ân tình mà Thiệu đã giúp Nixon trong cuộc bầu cử vừa qua.
Sau khi Nixon thông báo Mỹ sẽ rút quân, Tổng thống Thiệu nói với Nixon : “Tôi biết là các ông sẽ ra đi, nhưng trước khi ra đi , các ông nên để lại một cái gì làm kỷ niệm cho tình bạn, một cái gì giúp chúng tôi chứ?” ( Nguyễn Tiến Hưng, Bí Mật Dinh Độc Lập, trang 58 ).
Nghĩa là yêu cầu Mỹ tiếp tục yểm trợ tài chánh và để lại các khí tài chiến tranh như xe tăng, phi cơ, pháo binh… và yểm trợ thành lập thêm 2 sư đoàn tổng trừ bị , một sư đoàn Dù và một sư đoàn TQLC ( Để thay thế cho 500.000 quân Mỹ rút đi ).
Sau này các nhà nghiên cứu sử chính trị thường đặt câu hỏi : “Tại sao một chính khách rất thân thiện lại thường xuyên bị báo chí chỉ trích như là một kẻ bất tài vô tướng ?”...Câu trả lời là vì CIA muốn cho thiên hạ nghĩ rằng Thiệu là một kẻ cứng đầu, một kẻ cản trở và phá hoại hòa bình. Mà muốn làm được như vậy thì CIA chỉ cần thuê báo chí Mỹ cũng như báo chí Việt đua nhau bêu xấu Thiệu là xong (sic).
Người đau lòng còn hơn Thiệu lại là Tưởng Giới Thạch :
Sau cuộc họp tại Midway Tổng thống Thiệu không bay thẳng về Việt Nam mà ông ghé Đài Bắc để thăm Tổng thống Tưởng Giới Thạch trước khi về Sài Gòn. Giao tình giữa Nguyễn Văn Thiệu và Tưởng Giới Thạch lúc đó đã trở thành thân mật qua sự trung gian của đại sứ Việt Nam tại Đài Bắc Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của Tổng thống Thiệu. Qua lời kể của ông Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng ghi lại :
“Sau khi họ bắt tay thật chặt, và khi không có ai đứng quanh, họ Tưởng nói với ông Thiệu là ông muốn biết những gì đã xảy ra tại Midway. Vì hai người đã thường gặp nhau trước kia, họ Tưởng bèn hỏi ông Thiệu bằng giọng thì thào : “Tại sao ông lại để họ làm như vậy?”…
Họ Tưởng hỏi : “Nixon đã nhượng bộ lại VNCH những gì? Thiệu đáp : “Ông ta đã hứa với tôi tám năm yểm trợ mạnh mẽ. Bốn năm yểm trợ quân sự trong nhiệm kỳ đầu và bốn năm yểm trợ kinh tế trong nhiệm kỳ hai. Khi mà hầu hết quân Mỹ đã rút lui rồi thì quân đội Bắc Việt cũng sẽ phải ra khỏi Miền Nam,…” …
Cuộc đàm luận với Tưởng Giới Thạch giúp cho Tổng thống Thiệu thấy ra một điều hệ trọng : “Ông tự hỏi : Tại sao bây giờ Nixon làm Tổng thống mà họ Tưởng vẫn còn quan ngại về Việt Nam ? Hiển nhiên là nhà lãnh đạo Trung Hoa Quốc Gia đã nghi ngờ ý định của Nixon.”
Sự nghi ngờ của Tưởng Giới Thạch đã được chứng thực sau đó 3 năm : Nixon đã trở mặt với Đài Loan để bắt tay với Trung Cọng nhằm giải quyết chiến tranh Việt Nam…!!
Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã chú ý tới “học thuyết Nixon” trong thời kỳ Nixon vận động tranh cử, cho nên ông buộc phải đặt dấu hỏi về “kế hoạch giải quyết chiến tranh lạnh” của Nixon. Kế hoạch đó đã được ông Chu Ân Lai tiết lộ cho Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ vào ngày 13-7-1971 :
“Kissinger nói rằng Mỹ gắn việc giải quyết vấn đề Đông Dương với việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Mỹ nói có rút được quân Mỹ ở Đông Dương thì mới rút quân Mỹ ở Đài Loan”. ( Bạch thư của Nước CHXHCN Việt Nam, trang 57. Xem hình đính kèm cuối bài viết ).
Rõ ràng là Mao Trạch Đông dùng chiến tranh Việt Nam để giải quyết những khó khăn lâu nay của Trung Cọng, đó là :
(1) Giải tỏa lệnh bao vậy cấm vận Trung Cọng có từ năm 1951. (2) Trao cho Mao chiếc ghế Đồng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà ông Tưởng Giới Thạch đang ngồi. (3) Trao lại cho Mao các hải đảo của China mà ông Tưởng Giới Thạch đang quản lý ( trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa ). (4) Rút hết quân Mỹ đang bảo vệ Đài Loan.
Đổi lại, Trung Cọng sẽ ngưng viện trợ vũ khí cho Hà Nội, và bắt Hà Nội phải đình chiến.
Cho tới lúc đó, 1971, lãnh đạo CSVN mới hiểu được lời thề “đánh Mỹ cho tới người Việt Nam cuối cùng” của Mao Trạch Đông vào năm 1954. ( Bạch thư của Nước CHXHCN Việt Nam phát hành năm 1979, trang 20 và trang 52 ).
Nghĩa là Mao dùng người Việt Nam đánh cho Mỹ quỵ tại Việt Nam để Mỹ phải thương lượng với Trung Cọng.
BÙI ANH TRINH