Ngày 28/4, hãng Raytheon công bố Thủy quân lục chiến Mỹ và hãng Raytheon phối hợp thử nghiệm xe phóng tên lửa diệt hạm điều khiển từ xa có thể tác chiến ở Thái Bình Dương. Cuộc thử nghiệm Hệ thống Ngăn chặn Chiến hạm Viễn chinh Hải quân - Thủy quân lục chiến (NMESIS) được tiến hành hồi tháng 11/2020 tại Point Mugu, bang California.
Tổ hợp NMESIS, đặt trên Xe tải Điều khiển từ xa của Đơn vị Mặt đất thuộc Lực lượng viễn chinh (ROGUE), phóng Tên lửa Tấn công Đường biển (NSM) nhằm vào mục tiêu giả định. Raytheon và thủy quân lục chiến Mỹ không công bố thêm chi tiết về cuộc thử nghiệm.

Tổ hợp NMESIS trên xe tải điều khiển từ xa ROGUE phóng tên lửa trong cuộc thử nghiệm tại Point Mugu, bang California, tháng 11/2020. Ảnh: Raytheon.
Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đang phát triển tổ hợp tên lửa diệt hạm trên đất liền phục vụ khái niệm Tác chiến Căn cứ Tiền phương Viễn chinh (EABO). Theo khái niệm này, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ di chuyển giữa các căn cứ viễn chinh trên các đảo hoặc vùng duyên hải trong khu vực như Thái Bình Dương, đồng thời phối hợp với các hạm đội hải quân hoạt động tại vùng biển gần đó.
Trung tướng Eric Smith, phó tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ phụ trách phát triển và tích hợp chiến đấu, từng nói về kế hoạch thử tên lửa diệt hạm NSM đặt trên thiết giáp mang tên Phương tiện Chiến thuật Hạng nhẹ (JLTV), giải pháp ngắn hạn để thủy quân lục chiến Mỹ có năng lực chống hạm.
Tướng Smith cho biết thủy quân lục chiến có thể cân nhắc sử dụng Tên lửa Hành trình Phóng từ mặt đất (GLCM) với tầm bắn 2.500 km, có thể phóng từ bệ đặt trên xe tải điều khiển từ xa ROGUE, nhằm tập kích các mục tiêu ở xa hơn.
"Chúng tôi là lực lượng tác chiến ven biển hiện diện ở Thái Bình Dương, cụ thể là chuỗi đảo đầu tiên, do đó chúng tôi có thể sử dụng tên lửa chống hạm và phối hợp cùng lục quân Mỹ với Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS)", Smith nói hồi tháng 3/2020. "Bất cứ lực lượng nào tác chiến ven biển cũng cần hệ thống vũ khí có thể đe dọa chiến hạm đối phương".

Vị trí chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. Đồ họa: Cofda.
"Chuỗi đảo thứ nhất" là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. "Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.
VietBF@sưu tập