Trong thời gian gần đây, báo chí quốc doanh liên tục đăng những thông tin về “chiến dịch đốt lò” và chủ trương tinh gọn bộ máy biên chế nhà nước csVN do TBT Tô Lâm phát động. Nhìn chung tổng thể vấn đề, có vẻ như Tô Lâm đang rất quyết tâm. Xuyên qua lời phát biểu trong đại hội bất thường vừa qua: “Từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm”. Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chính sách này được nhiều bồi bút tung hô và ca ngợi “hết cỡ thợ mộc”. Nhưng đến nay, thực tế bộ máy nhà nước “hình như” phình ra, chứ chẳng tinh gọn được.
Chế độ Cộng sản Việt Nam là một dạng phong kiến trá hình. Cha làm quan thì con cũng làm quan – đó là một thứ luật bất thành văn. Ngày nay, chuyện con cái lãnh đạo lại làm lãnh đạo không có gì là bí mật nữa. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đến 2 người con tham gia vào bộ máy chính quyền; ông Nguyễn Xuân Phúc có 1 người con, vv… Không chỉ con cái, các quan chức còn nhét cả cháu chắt, đàn em… vào bộ máy rất nhiều. Hơn nữa, thế hệ con cái thường đông hơn thế hệ cha mẹ, nên việc bộ máy nhà nước phải phình to ra, có lẽ là điều đương nhiên. Ngay chính con trai Tô Lâm cũng tham gia vào bộ máy chính quyền. Không những thế, Tô Lâm còn đưa rất nhiều đàn em vào các vị trí trọng yếu, như vậy bộ máy không phình ra mới lạ.
Từ những vấn nạn nêu trên, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ, Tô Lâm nói một đường nhưng làm một nẻo. Thật ra, nếu nhìn rõ hơn, chúng ta sẽ dễ nhận diện vấn đề tinh gọn bộ máy nhà nước csVN là bất khả thi. Bộ máy này nuôi béo quan chức bằng tham nhũng, nên tất nhiên, quan chức phải tranh thủ đưa con cái dòng họ vào, để cùng nhau vơ vét. Vì vậy, việc tinh giảm sẽ động chạm đến quyền lợi của rất nhiều quan chức, từ Trung ương đến địa phương. Đó là nếu Tô Lâm dám làm thật thì cuộc chiến “khốc liệt” sẽ ‘bùng nổ” ngay tại thượng tầng lãnh đạo chóp bu của đảng csVN. Ai đi ai ở… ai sẽ vào tù hay may mắn được về vườn làm “người tử tế”… ai thắng ai thua trong màn tranh giành quyền lực một mất một còn nầy?
Tô Lâm gốc là võ tướng, đoạt lấy ngai vàng TBT bằng vũ lực và tất nhiên, Tô Lâm giữ ngai vàng cũng bằng vũ lực. Như vậy, nếu Tô Lâm vừa ra chủ trương cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước, vừa ra tay đánh dẹp các “đồng chí” bằng hồ sơ đen, thì chẳng khác nào ông đang tự đẩy mình vào lò, vì ông ta cũng “tay đã dính chàm” đâu kém gì ai. Việc liên tục hạ nhau trên vũ đài chính trị, cho thấy bức tranh hiện thực trong nội bộ Đảng. Khi nội bộ đang chia rẽ trầm trọng, thì sẽ không thể đạt được sự thống nhất, để thực hiện một chính sách lớn như tinh gọn bộ máy nhà cầm quyền.
Một số ý kiến cho rằng, chính sách tinh gọn bộ máy nhà nước của Tô Lâm, rất có thể chỉ nhằm mị dân. Nếu không mị dân, thì đây là một chính sách thiếu thực tế. Trong quá khứ, cựu TBT Nông Đức Mạnh cũng đã từng rất mạnh miệng, khi tuyên bố, sẽ đưa Việt Nam “cơ bản thành nước công nghiệp tiến bộ” vào năm 2020. Kết quả ra sao thì đã rõ. Những chính sách có tính chất cải tiến, cải cách, để theo kịp thế giới văn minh tiến bộ, Đảng csVN không bao giờ làm được, nguyên nhân thất bại chính là thể chế chính trị. Ngày nào còn độc tài đảng trị thì ngày đó không thể làm gì khác hơn hiện trạng thực tế hôm nay.
Tóm lại, việc đấu đá nhau trên võ đài chính trị sẽ vẫn tiếp tục và ngày càng “ác chiến’ hơn. Đánh nhau chỉ cần phe đảng, binh hùng tướng mạnh, thâm hiểm, gian xảo và độc ác. Còn thực hiện cải cách thì cần tài quản trị, tầm nhìn chiến lược và cả năng lực của đội ngũ ‘trung thành” dưới quyền…v..v… Giới lãnh đạo Cộng sản không có những khả năng đó và bộ máy nhà nước bên dưới cũng không đủ năng lực để đáp ứng cho một cuộc cải cách toàn diện.
Trong tình hình cấp bách và phức tạp hiện nay, việc Tô Lâm làm, chỉ là tung thêm đòn hiểm, để tống hết những “di sản” do ông Trọng để lại, rồi nhét đàn em thân tín vào thay thế. Có lẽ, Tô Lâm và phe Hưng Yên không dại gì mà lao vào “cuộc chiến sinh tử” với hai phe Nghệ Tỉnh và Quốc Phòng. Khi mới lên ghế TBT, Tô Lâm đã thực hiện một số động thái có tính “dân túy” và nhận được những đánh giá tích cực. Tuy nhiên, với bản chất võ biền “quân phiệt”, Tô Lâm không thể cứ “dân túy” mãi. Vì thế việc Tô Lâm lên cầm quyền và đang tìm mọi “giải pháp” để loại các đối thủ, thì chế độ csVN hiện nay sẽ bắt đầu cho một thời loạn không hồi kết. Chúng ta hãy chờ xem những màn kịch “hoành tráng’ sẽ xuất hiện trong đại hội Đảng csVN kỳ thứ XIV sắp tới.
Lão Thất