Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại đây đang có các ca bệnh nặng do nhiễm cúm mùa, cúm A. Các ca bệnh nặng không chỉ là người cao tuổi, mà còn ghi nhận phụ nữ mang thai.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm vốn được coi là bệnh thông thường, tuy nhiên có thể diễn biến nhanh ác tính, gây nguy hiểm.
ĐỪNG CHỦ QUAN!
"Bệnh cúm do vi rút cúm gây ra, không phải là bệnh hiếm hay lạ, nhưng gần đây chúng tôi ghi nhận các ca bệnh cúm mà đặc biệt người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già thì tỷ lệ nhập viện gia tăng", bác sĩ (BS) Đỗ Duy Cường cho biết.
BS Cường thông tin thêm: Vi rút này tác động trực tiếp lên hệ hô hấp. Ở những người có cơ địa miễn dịch tốt thì chỉ gây bệnh nhẹ, ví dụ: ho, sốt, hắt hơi, ngạt mũi. Nặng hơn, cúm gây viêm phế quản, viêm phổi, diễn biến rất nặng do bội nhiễm các vi khuẩn. Người có bệnh nền, người già thì cúm rất dễ trở nặng.
"Năm 2024, chúng tôi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm cúm nhập viện. Các biểu hiện bệnh lý tiến triển rất nhanh. Chỉ thời gian ngắn sau khi có ho, sốt, bệnh nhân (BN) đã bị suy hô hấp, vào viện trong tình trạng nhịp thở nhanh, ô xy máu giảm thấp đến 95%, phải thở máy. Do diễn biến nhanh nên cũng cần lưu ý về cúm ác tính, điều trị sẽ khó khăn hơn, mặc dù không phải vi rút cúm đột biến", Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết.
![](https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=2486190&stc=1&d=1738723077)
Cúm có thể gây bệnh nặng suy hô hấp, suy đa tạng, đe dọa tử vong với người lớn tuổi, người có bệnh nền
ẢNH: LIÊN CHÂU
Theo BS Cường, cúm ác tính không phải do vi rút biến đổi mà có thể do cơ địa, do bội nhiễm kèm thêm, bản thân vi rút cúm có thể phá hủy tổ chức gây viêm phổi nặng. Người trẻ tử vong do cúm ác tính rất ít, nhưng đừng chủ quan coi cúm chỉ là cảm thông thường qua loa. Vì cảm lạnh do nhiễm lạnh thì chỉ cần dùng thuốc hạ sốt, xông, nghỉ ngơi là khỏi bệnh. Còn bệnh cúm là do vi rút cúm gây ra, có thể gây nguy hiểm. Cần chủ động tiêm phòng để tránh nhiễm bệnh; cần dùng thuốc kháng vi rút khi có chỉ định.
Thông tin thêm về cúm ác tính, BS Cường lưu ý khi có khó thở với biểu hiện nhịp thở nhanh, người nhiễm cúm cần đến bệnh viện để được chụp, đánh giá về tim, phổi. Nếu suy hô hấp nặng, cần được đặt nội khí quản thở máy, vì cúm có thể gây suy đa tạng, đe dọa tử vong.
Rất dễ bùng phát trong mùa đông xuân
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị các ca nhiễm cúm nặng, trong đó có một BN 90 tuổi. "Ở người cao tuổi, khi nhiễm cúm, chỉ sốt 38 độ đã có thể gây loạn thần", một BS điều trị cho biết.
Một BN 60 tuổi sốt, ho, khó thở… cũng được xác định nhiễm cúm. "Đây là BN nhiễm cúm có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Với ca bệnh này, nếu thêm cúm sẽ rất nguy hiểm, có thể mất người", BS điều trị lo ngại. Trường hợp khác là một BN 76 tuổi hiện phải thở máy do suy hô hấp nặng sau khi nhiễm cúm A, có bệnh mạn tính Alzheimer.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hiệp hội về tim mạch, hô hấp đều khuyến cáo người trên 60 tuổi, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch, ung thư, các bệnh suy giảm miễn dịch cần được tiêm vắc xin cúm hằng năm, phù hợp với các chủng lưu hành. Các vi rút cúm thường gặp là cúm mùa, cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B.
BS Cường cho biết mùa đông xuân hiện là thời điểm vi rút cúm rất dễ bùng phát, đồng thời còn có thêm các bệnh sởi, thêm sự xuất hiện của vi rút HMPV với các triệu chứng ban đầu đều là sốt, ho, nên cần được chẩn đoán đúng tác nhân để điều trị. Trong đó, vi rút cúm có thể phát hiện bằng test nhanh.
Đặc biệt, phụ nữ cần tiêm vắc xin cúm trước khi quyết định có bầu. Vì phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ dị tật thai nhi do cúm khá cao, dù cúm ở phụ nữ mang thai thường gây tổn thương phổi nhẹ, nếu không có bệnh nền.
KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh cúm nguy hiểm do tính lây lan nhanh và gây dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Tiêm vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Ở người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.
Trong nước hiện đang giai đoạn mùa đông xuân, thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan như cúm. Người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người; giữ ấm cơ thể khi ra ngoài. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
VietBF@sưu tập