Hầu hết trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Tuổi tác, căng thẳng, chế độ ăn và lối sống ít vận động - những yếu tố âm thầm làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Ảnh: Pexels.
Tăng huyết áp nguyên nhân chủ yếu đến từ tiền sử bệnh lý, liệu trình dùng thuốc hoặc do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau và thường là nguyên nhân không rõ ràng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ gây huyết áp cao là rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp bao gồm:
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn quá nhiều thực phẩm có chứa muối, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cồn và caffeine có thể kích thích huyết áp tăng cao.
Lối sống ít vận động: Tập thể dục thường xuyên giúp hệ cơ tim khỏe hơn. Một trái tim khỏe có thể bơm được nhiều máu với ít nỗ lực hơn. Kết quả là lực tác động lên động mạch giảm đi, hỗ trợ điều hòa huyết áp.
Thừa cân hoặc béo phì: Tăng cân làm tăng gánh nặng cho tim và mạch máu, khiến huyết áp tăng cao. Hơn nữa tình trạng béo phì còn có thể thúc đẩy bệnh tăng huyết áp tiến triển bằng cách gây rối loạn RAS (renin-angiotensin-aldosteron) – hệ thống nội tiết tố làm nhiệm vụ cân bằng huyết áp, khiến chúng tăng cao.
Căng thẳng: Căng thẳng dù là tâm lý hay thể chất đều có thể gây tăng huyết áp bởi sự giải phóng quá mức hormone cortisol – một loại nội tiết tố có khả năng kích thích nhịp tim, khiến huyết áp tăng cao.
Di truyền: Yếu tố di truyền có thể chiếm từ 30 - 50% nguyên nhân gây tăng huyết áp ở một người có tiền sử gia đình mắc phải căn bệnh này. Điều này đặc biệt đúng với những ai có bố mẹ mắc bệnh tăng huyết áp trước năm 55 tuổi.
Tuổi tác: Huyết áp tâm thu có xu hướng tăng cao theo mức độ lão hóa của cơ thể, đặc biệt là sau độ tuổi 55 do quá trình xơ cứng động mạch.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có thể gây đột quỵ và tử vong sớm.
Chế độ ăn cho người cao huyết áp
Chế độ ăn cho người cao huyết áp cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau để giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả:
Giảm lượng muối: Bạn nên hạn chế các món ăn mặn và thức ăn có hàm lượng natri cao, vì tiêu thụ natri quá mức khiến thận bài tiết kém hiệu quả, từ đó làm tăng thể tích tuần hoàn máu và gây tăng huyết áp. Các món ăn giàu muối bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và các món kho mặn…
Ăn nhiều trái cây và rau củ: Tăng cường tiêu thụ trái cây và rau củ, đặc biệt là những loại giàu kali, có thể giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể và giảm huyết áp.
Chọn thực phẩm giàu chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, hạt và đậu là nguồn chất xơ tốt, giúp cơ thể hạn chế hấp thu chất béo, cải thiện sức khỏe tim mạch, từ đó hỗ trợ điều hòa huyết áp.
Giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường chứa nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và các thức ăn có chứa mỡ động vật.
Hạn chế rượu và caffeine: Rượu làm tăng nồng độ hormone renin trong máu, khiến các mạch máu co lại, trong khi đó caffeine chứa trong trà và cà phê có thể kích thích tim đập nhanh, gây tăng huyết áp.
Uống đủ nước: Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp duy trì tuần hoàn máu và chức năng thận, từ đó hỗ trợ kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, cần lưu ý những điều sau:
Ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Hạn chế ngồi nhiều.
Không làm việc quá căng thẳng.
Tham gia các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, chạy, aerobic, khiêu vũ, nâng tạ…
Không ăn quá mặn (cố gắng dưới 2g mỗi ngày).
Không ăn quá nhiều mỡ và nội tạng động vật.
Bổ sung thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa.
Không sử dụng thuốc lá.
Không uống quá nhiều rượu (tối đa 1 ly/ngày đối với nữ giới, 2 ly/ngày đối với nam giới).
Giảm cân nếu bạn gặp tình trạng thừa cân, béo phì.
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đo huyết áp thường xuyên và thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ.