Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định rõ các hành vi, không để đại biểu Quốc hội vào hội trường họp nhưng ngủ gật hoặc dùng điện thoại gây mất trật tự.
"Quy định rõ các hành vi, vào hội trường một là ngủ gật, rồi sử dụng điện thoại. Phải quy định vào hội trường điện thoại phải chuyển chế độ rung, tránh gây ồn, mất trật tự", ông Mẫn nói sáng ngày 23/4.
Ông cũng nhắc tới một số nội dung về cách phát biểu ở hội trường, một là về thời gian, hai về chất lượng.
Theo ông Mẫn, quy định mỗi đại biểu chỉ phát biểu thảo luận 7 phút thì tùy tình hình chủ tọa điều hành có thể giảm xuống 5 phút. Ngược lại, nếu phiên thảo luận ít đại biểu đăng ký, thì chủ tọa có thể nâng lên 7 phút.
"Các hội nghị quốc tế hiện nay cũng chỉ cho phát biểu 5 phút thôi. Đúng 5 phút là cắt, không biết nước nào, cứ quá thời gian là cắt.”
Chất lượng thảo luận cũng cần phải nâng cao, tránh tình trạng bài viết sẵn rồi đọc ở hội trường.
"Mình phải giảm bớt cái đó," ông nêu.
Ngoài ra, ông Mẫn cũng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tương tác với cử tri nhiều hơn, không phải đợi tới kỳ họp mới tiếp xúc.
Cách đây vài ngày, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp xúc cử tri TP HCM. Đây là lần đầu tiên ông Cường tiếp xúc cử tri, báo chí ở Việt Nam thông tin. Ông Cường là đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM từ ngày 31/10/2024, tức gần sáu tháng trước.
Cũng tại buổi họp hôm 23/4, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… để tránh hình thức.
Trong khi đó, Ban soạn thảo cho rằng các quyết định về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng và kỹ lưỡng.
Do đó, Ban Soạn thảo xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành.