- Trong 5 năm đầu, chỉ có khoảng 100 virus máy tính ra đời, nhưng hiện tại, mỗi giờ, giới tin tặc có thể tạo ra nhiều hơn con số đó.
Thời lương thiện
Tháng 9/1986, hai anh em người Pakistan, Amjad và Basit Farooq Alvi tung ra virus máy tính cá nhân đầu tiên mang tên Brain.a, nhằm vào phần khởi động của các máy tính chạy hệ điều hành PC-DOS. Mục đích của họ chỉ là chứng minh hệ điều hành của máy tính không an toàn như IBM hay Microsoft vẫn khẳng định. Vì vậy, họ gửi kèm cả thông tin địa chỉ, số điện thoại trợ giúp cùng virus. Đúng như dự tính, Brain.a lây lan rất nhanh, và anh em nhà Alvi liên tục phải trả lời điện thoại từ các trường đại học, doanh nghiệp trên toàn thế giới hỏi về thứ mà họ phát tán.
Một số người bắt đầu biến đổi Brain.a để tạo ra các phiên bản mới. Dần dần, viết virus trở thành một trò chơi thú vị, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, hầu hết virus, dù khiến người dùng máy tính khó chịu, nhưng về cơ bản, không gây thiệt hại. Nhưng khi email ra đời, tất cả thay đổi hoàn toàn.
Theo Mikko Hypponen, Công ty An ninh mạng F-Secure, Phần Lan, quãng thời gian từ năm 2002 - 2003 đánh dấu sự kết thúc thời kỳ lương thiện của giới tin tặc, khi nhiều người trong số họ nhận ra rằng mình có thể kiếm tiền khá dễ dàng nhờ virus.
Tin tặc lộng hành
Bước sang đầu thế kỷ XXI, gửi thư rác quảng cáo trở thành ngành kinh doanh phát đạt. Đó là lý do khiến nhiều tin tặc tập trung vào phần mềm độc hại để tạo ra các mạng máy tính ma. Số hóa các giao dịch tài chính, ngân hàng cũng tạo ra nhiều mục tiêu hấp dẫn hơn đối với tin tặc.
Một lý do khác dẫn đến sự phát triển mạnh của virus, đó là hệ điều hành Windows XP của Microsoft. Đây là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, được cài đặt ở hơn 50% các máy tính kết nối internet. Nhưng nó cũng là hệ điều hành có khả năng bảo mật yếu nhất. Sự phổ biến của Windows XP khiến hàng triệu máy tính trở thành mồi ngon của giới tin tặc.
Tuy nhiên, sự lộng hành của tin tặc trong lĩnh vực kinh tế chỉ là mối đe dọa rất nhỏ, nếu so với một nguy cơ mới đang manh nha xuất hiện: Các virus được tạo ra để phục vụ cho các kế hoạch ở tầm Chính phủ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên hãng tin MSNBC, Mikko Hypponen cho rằng, virus Stuxnet là sản phẩm của Chính phủ Mỹ, hay cụ thể hơn là kết quả của Sáng kiến An ninh mạng Quốc gia do Tổng thống Bush ký thông qua năm 2008, dù không có bằng chứng nào rõ ràng. Ít nhất là cho đến lúc này, Stuxnet đã hoàn thành vai trò của mình là chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran.
Khác với các virus khác, Stuxnet không lây lan qua mạng internet mà đi từ máy này sang máy khác thông qua USB. Nó đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử của virus máy tính, khi các phần mềm độc hại được thiết kế chỉ để nhằm vào một mục tiêu cụ thể, thay vì phát tán tràn lan. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng thiệt hại của các cuộc tấn công có tính toán này sẽ lớn hơn tất cả những gì mà virus máy tính cổ điển có thể gây ra.
Thu Thủy (theo MSNBC)