Ảnh:WSJ
Sự tồn tại của nước Mỹ trước tiên giúp đảm bảo cho trật tự của thị trường và thương mại tự do – nhiệm vụ mà không một nước nào trên thế giới có đủ khả năng đảm đương.
Nhiều nhà học giả ngoại giao cho rằng dân chủ và thị trường tự do luôn tồn tại mà không cần đến sự thống trị của nước Mỹ. Bình luận gia Robert Kagan cho rằng điều đó quá khó trở thành sự thật.
Lịch sử cho thấy rằng trật tự của các nước trên thế giới luôn thay đổi. Vị thế của một nước có thể lên hay xuống và kể cả những thể chế, niềm tin và quy tắc thông thường, hệ thống kinh tế đi kèm với nó cũng biến chuyển theo.
Sự sụp đổ của đế chế La Mã kéo theo sự suy tàn không chỉ của chế độ trị vì La Mã mà còn cả chính phủ La Mã và hệ thống luật pháp kinh tế được áp dụng trải rộng từ Bắc Âu đến Bắc Phi. Văn hóa, nghệ thuật và thậm chí cả thành tựu khoa học công nghệ tụt hậu lại nhiều thế kỷ.
Lịch sử hiện đại đi theo con đường đúng như vậy. Sau chiến tranh Napoleong đầu thế kỷ 18, người Anh nắm kiểm soát vùng biển và cân bằng lại sức mạnh trên lục địa châu Âu, mang đến ổn định và an ninh ở mức độ nhất định. Sự thịnh vượng tăng lên, tự do cá nhân cải thiện và thế giới dường như tiến gần hơn đến với nhau thông qua các cuộc cách mạng trong thương mại và truyền thông.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, kỷ nguyên hòa bình và tự do của nền văn minh châu Âu biến thành kỷ nguyên chuyên quyền và thảm họa kinh tế. Chế độ dân chủ và tự do từng hứa hẹn sẽ lan rộng nay chững lại và rồi đảo ngược. Sự sụp đổ của thế thống trị của người Anh và người châu Âu trong thế kỷ 20 không mang đến thời kỳ đen tối nhưng tạo ra cuộc xung đột mang tính phá hủy lớn.
Vậy nếu thế thống trị của nước Mỹ một ngày nào đó cũng đến hồi chấm dứt, mọi chuyện sẽ ra sao? Hậu quả có tồi tệ đến vậy không? Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nước Mỹ, chính trị gia, nhà hoạch định chính sách đón nhận dự báo về khả năng trên một cách rất bình thản.
Nhìn chung người ta cảm nhận rằng sự kết thúc của thế thống trị mà nước Mỹ đang nắm giữ, nếu nó có đến, không có nghĩa nước Mỹ mất đi vị thế hiện tại đối với quốc tế, quan điểm tự do rộng khắp và sự thịnh vượng ít nước có được (ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay) và các cuộc chiến tranh giữa cường quốc chấm dứt.
Sức mạnh của nước Mỹ có thể giảm đi, nhà nghiên cứu chính trị G. John Ikenberry khẳng định như vậy, thế nhưng yếu tố căn bản làm nên vị thế của nước Mỹ vẫn tồn tại và phát triển. Nhà bình luận Fareed Zakaria khẳng định ngay cả khi thế cân bằng trở nên bất lợi với Mỹ, cường quốc mới nổi như Trung Quốc cũng sẽ vẫn chỉ tiếp tục tồn tại trong khuôn khổ hệ thống hiện tại. Nhiều nghị sỹ Đảng Dân chủ tại Mỹ vốn đặt niềm tin vào luật lệ và các tổ chức quốc tế không tin rằng thế giới hậu Mỹ sẽ khác quá nhiều so với thế giới của người Mỹ.
Nếu ai đó khẳng định kịch bản trên khó thành sự thật, họ phải thay đổi quan điểm. Trật tự thế giới hiện đại được định hình bởi sức mạnh của nước Mỹ và phản ánh về quyền lợi cũng như lựa chọn ưu tiên của người Mỹ.
Nếu cán cân quyền lực thế giới chuyển hướng sang một hoặc một nhóm nước khác, trật tự thế giới sẽ thay đổi để phù hợp với quyền lợi và lợi ích của người Mỹ. Chúng ta không thể chắc chắn rằng tất cả quyền lực trong thế giới hậu Mỹ sẽ chấp thuận lợi ích của trật tự thế giới hiện đại hoặc có đủ khả năng để duy trì nó, ngay cả nếu họ muốn thế.
Nhiều người trong chúng ta mặc nhiên thừa nhận thế giới như nó vốn có hiện nay. Thế nhưng chắc chắn mọi chuyện sẽ rất khác nếu không có nước Mỹ đứng đầu. Chuyên gia Robert Kagan nói chuyện với người đứng đầu tại thành phố Washington về cuốn sách mới của ông có tên “The World America Made” tạm dịch “Thế giới do nước Mỹ tạo ra” và việc liệu nước Mỹ có tránh được sự đi xuống.
Hãy nói đến vấn đề dân chủ. Đã nhiều thập kỷ qua, cán cân quyền lực trên thế giới đã ủng hộ cho chính phủ dân chủ. Nếu Trung Quốc và Nga mạnh lên trong tương lai, chính trường thế giới sẽ khác. Sự cân bằng trong một thế giới mới, đa cực sẽ có lợi cho dân chủ hơn nếu một số nước dân chủ mới nổi bao gồm Braxin, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi bù đắp được sự thiếu hụt của nước Mỹ. Tất nhiên chẳng nước nào trên đây có mong muốn hoặc thậm chí đủ khả năng để làm được việc đó.
Vậy trật tự kinh tế của thị trường và thương mại tự do thì sao? Người ta khẳng định Trung Quốc và một số cường quốc mới nổi khác đã hưởng lợi quá nhiều từ hệ thống hiện tại sẽ không muốn thay đổi nó. Họ sẽ không dại gì làm thịt “con ngỗng đẻ trứng vàng”.
Trong bài phát biểu toàn liên bang mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói đến vấn đề liệu có thực nước Mỹ đang đi xuống. Ông tuyên bố: “Nước Mỹ đang trở lại. Bất kỳ ai nói với bạn rằng nước Mỹ đang suy tàn hoặc tầm ảnh hưởng của nước Mỹ đã yếu đi, thực ra chẳng hiểu họ đang nói về cái gì. Nước Mỹ vẫn giữ vị thế không thể thiếu trong các vấn đề quốc tế và chừng nào tôi còn là Tổng thống, tôi sẽ vẫn đảm bảo được điều đó.”
Ông Kagan lý giải: “ Chẳng Tổng thống Mỹ nào muốn nói trước về sự đi xuống của nước Mỹ và thật tốt khi thấy Tổng thống Mỹ bác bỏ ý kiến cho rằng nước Mỹ của ông được xây dựng trên quan điểm tầm ảnh hưởng của nước Mỹ giảm sút.”
Thật không may, có thể họ không thể tự cứu lấy chính mình. Sự tạo ra và tồn tại của trật tự kinh tế tự do cho đến nay phụ thuộc vào cường quốc sẵn sàng và có khả năng hỗ trợ cho thương mại, thị trường tự do, thường bằng sức mạnh của hải quân. Vậy nếu một nước Mỹ đang suy tàn không thể nắm được thế thống trị đối với một số vùng lãnh hải, nước nào dám đứng ra đảm nhận trọng trách và gánh nặng tài chính của nhiệm vụ trên? Dường như chẳng có nước nào.
Nếu một ai đó làm được, liệu nó có dẫn đến căng thẳng tăng cao hơn? Trung Quốc và Ấn Độ đang xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh hơn nhưng kết cục sự chạy đua chỉ ngày một lớn dần chứ không phải an ninh được đảm bảo hơn.
Người Trung Quốc có thực sự đánh giá cao hệ thống kinh tế cởi mở hay không? Kinh tế Trung Quốc có thể sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nhưng còn lâu mới thành nền kinh tế giàu có nhất. Quy mô kinh tế Trung Quốc có được nhờ một cộng đồng dân số lớn nhất thế giới thế nhưng nếu tính bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn còn rất nghèo.
GDP bình quân đầu người tại Mỹ, Đức và Nhật hiện khoảng trên 40 nghìn USD, Trung Quốc hơn 4 nghìn USD một chút, chỉ tương đương với Angola, Algeria…Ngay cả nếu dự báo lạc quan nhất thành sự thật, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2030 cũng chỉ bằng một nửa của Mỹ hiện nay và tương đương với Slovenia hay Hy Lạp bây giờ.
Còn tiếp…
Ngọc Diệp
Theo TTVN/WSJ, Economist