Song hành cùng việc chuyển hướng trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương, Washington đang triển khai kế hoạch đóng mới tàu chiến tiêu tốn hàng trăm tỉ USD.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết đến năm 2020 sẽ bố trí 60% tàu chiến của nước này tại Thái Bình Dương. Cụ thể hơn, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay Washington sẽ triển khai 6 tàu sân bay và phần lớn các tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chiến gần bờ và tàu ngầm đến khu vực này.
Trước khi ông Panetta đưa ra tuyên bố trên, Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) hồi tháng 4 công bố báo cáo mang tên Navy force Structure and Shipbuilding Plans (tạm dịch Kế hoạch đóng tàu chiến và cấu trúc hải quân). Cùng thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng trình báo cáo thường niên mang tên Long-range plan for construction of naval vessels for FY2013 (tạm dịch Kế hoạch đóng tàu chiến trong dài hạn cho năm tài chính 2013) lên Ủy ban Quân vụ của quốc hội nước này. Hai báo cáo trên nêu chi tiết kế hoạch đóng mới tàu chiến và cấu trúc của hải quân Mỹ từ năm 2013 - 2042. Nhờ đó, người ta có thể hình dung rõ ràng hơn về số lượng tàu chiến của nước này sẽ hiện diện tại Thái Bình Dương vào năm 2020.
Mỹ sẽ sớm trang bị thêm nhiều tàu khu trục lớp Arleigh Burke - Ảnh: Chosun
Kế hoạch khủng
Theo báo cáo Navy force Structure and Shipbuilding Plans, Mỹ sẽ tiêu tốn tổng cộng 465 tỉ USD để đóng mới tàu chiến từ năm 2013 - 2042. Thế nhưng, Cơ quan Ngân sách quốc hội Mỹ ước tính kế hoạch của Lầu Năm Góc trong khoảng thời gian trên sẽ phải mất đến 540 tỉ USD. Đổi lại, Mỹ sẽ đóng mới 268 tàu chiến, trong số đó có 6 tàu sân bay, 70 tàu khu trục, 46 tàu ngầm tấn công… Đặc biệt, Washington sẽ từng bước thay thế tàu sân bay thuộc lớp Enterprise và Nimitz bằng lớp Gerald Ford. Nhờ đó, hải quân Mỹ không chỉ thay thế các tàu về hưu mà còn được bổ sung thêm để đạt tổng số tàu chiến lên đến 307 chiếc vào năm 2042, nhiều hơn khoảng 20 chiếc so với hiện tại. Cụ thể, nước này sẽ sở hữu 11 tàu sân bay, 90 tàu khu trục và tàu tuần dương, 32 tàu đổ bộ, 55 tàu chiến cận bờ, 48 tàu ngầm tấn công, 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình…
Trong suốt kế hoạch từ năm 2013 - 2042, giai đoạn 5 năm đầu tiên từ 2013 - 2017 đóng vai trò then chốt đối với bước đầu của kế hoạch “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, ở giai đoạn 2013 - 2017, Mỹ sẽ nhanh chóng đóng mới 41 tàu chiến phù hợp với ưu tiên này. Nổi bật trong số này là 1 siêu tàu sân bay lớp Gerald Ford, 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia, 9 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 16 tàu chiến cận bờ cùng một số tàu hỗ trợ khác.
Hồi tháng trước, giữa lúc Bắc Kinh và Manila đang vô cùng căng thẳng xung quanh tranh chấp bãi cạn Scarborough, tàu ngầm USS North Carolina thuộc lớp Virginia đã cập cảng Subic của Philippines. Diễn biến trên thu hút không ít sự quan tâm của thế giới. Tàu ngầm lớp Virginia có giá trị lên đến trên 2 tỉ USD mỗi chiếc. Loại tàu này sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa đối hạm, ngư lôi hiện đại đạt tầm bắn khá xa.
Cùng với các tàu ngầm lớp Virginia, tàu khu trục lớp Arleigh Burke cũng đang được đồn trú tại châu Á trong thời gian qua. Loại tàu này là một tổ hợp tác chiến “hàng khủng” trên biển dù độ choán nước chỉ khoảng 10.000 tấn. Nó được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cùng các hỏa lực hạng nặng như tên lửa đối hạm Harpoon tầm bắn 120 km, tên lửa đối không RIM-66 nhanh gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh. Ngoài ra, nó còn có tên lửa hành trình Tomahawk, ngư lôi, nhiều loại pháo và súng máy, mang được 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Sắp tới, Mỹ cũng sẽ sớm đưa tàu chiến cận bờ đến đồn trú luân phiên tại Singapore. Đây là một trong những động thái khẳng định chính sách tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngô Minh Trí
theo TN