Nếu như nhà văn dùng văn chương để nói lên quan điểm của mình thì họa sĩ lại dùng hình ảnh và đôi khi, một hình ảnh ý nghĩa có thể bày tỏ thay ngàn lời nói. Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng bộ tranh biếm họa dưới đây và tìm hiểu xem chúng “nói” gì nhé!
Liệu một lúc nào đó, hành tinh xanh có trở thành chiếc nồi khổng lồ ninh chính cỏ cây động vật? Hay hiểu một cách khác, liệu thế giới có trở thành chiếc nồi "ninh chín" hòa bình, công lý dưới áp lực của xung đột, chiến tranh?
Các loài thú hoang dã vẫn vô tư với cuộc sống của mình mà không biết có cạm bẫy đang chờ ở phía trước.
Họa sĩ Pawel Kuczynski (sinh năm 1976 tại Ba Lan) tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa tại Học viện Mỹ thuật Poznan, bắt đầu theo đuổi phong cách biếm họa từ năm 2004 và đã giành gần 100 giải thưởng với thể loại này. Tranh của Pawel Kuczynski hoàn toàn được vẽ trên giấy với màu nước và bút chì màu. Cách minh họa theo lối hoạt hình, mang nét hài hước nhẹ nhàng khá gần với tranh cổ động.
Hiện tượng nóng lên của Trái đất đang bức tử các loài động vật vùng cực.
Quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch đang hủy hoại các di sản.
“Làm sạch không khí” hay dùng lời nói dối hoa mĩ để che đậy sự thật xấu xa?
Nhưng sự thật vẫn là sự thật dù có được tô vẽ thế nào đi nữa.
Ấn tượng đầu tiên khi xem tranh Pawel Kuczynski chính là sự phi lý. Hình ảnh anh công nhân dùng chổi sơn vẽ lên bầu trời hay đứa trẻ ăn cả món đồ chơi... thoạt nhìn cực kì vô lý, song đó là cách tác giả khơi dậy trí tò mò và dẫn dắt người xem đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của bức tranh.
Những số phận “dưới đáy xã hội”. Bi kịch của họ là phải hy sinh cơ hội của mình để đổi lấy sự sinh tồn.
Cùng là hình ảnh con tàu nhưng đối với những đứa trẻ, giàu - nghèo sao thật khác.
Đối với đứa trẻ này đó là món đồ chơi, nhưng với đứa trẻ kia lại là nỗi ám ảnh mang tên “Đói”.
Những "vết thương" do chiến tranh để lại... dù chúng ta có cố gắng hàn gắn thì nó vẫn để lại sẹo.
Giá trị của bộ tranh không phải ở hình ảnh hay màu sắc mà chính là những câu chuyện ẩn giấu phía sau. Qua nét vẽ của tác giả, những thực trạng nhức nhối của thế giới ngày nay hiện lên một cách chân thực, hoàn toàn không che đậy. Từ chiến tranh, đói nghèo đến bóc lột lao động trẻ em... những sự thật hầu như mọi người đều biết nhưng lại chẳng mấy ai để tâm và nhiều lúc khiến chúng ta xót lòng bởi nó diễn ra hàng ngày trong chính xã hội mà ta đang sống.
Nền kinh tế đi xuống bởi sự yếu kém của người quản lý nỗ lực giật dây cương trong vô vọng.
Liệu trẻ em có học được gì khi bị chèn ép bởi thước đo và quy chuẩn.
Nghèo đói và thất nghiệp như quả bom nổ chậm.
Hòa bình đâu phải trò chơi cho chiến tranh...
Đằng sau những "tượng đài anh dũng" luôn là "hậu phương" hy sinh.
Những chủ đề lớn lao và trừu tượng thường khó thể hiện bằng hình ảnh, song tác giả đã khéo léo đơn giản hóa chúng thông qua những sự vật gần gũi, mang tính tượng trưng. Chẳng hạn, với bức “Clock”, hình ảnh chiếc đồng hồ tượng trưng cho thời gian, còn ngôi mộ tượng trưng cho cái chết. Hai hình ảnh dường như không liên quan được gắn kết hợp lý trong tranh đã thay lời tác giả muốn nói: “Thời gian trôi đi mang cái chết lại gần”.
Thời gian trôi đi mang cái chết lại gần.
Có những thứ chỉ người giàu mới chạm tới được.
Vỏ bọc hào nhoáng có che đậy được gông cùm?
Thảnh thơi trên sự cực khổ của người khác liệu có đáng?
Nhiều nhà phê bình nhận xét tranh của Pawel Kuczynski mang phong cách “hài hước đen” (black humour) - sự hài hước thể hiện qua những điều phi lý, có giá trị tố cáo và nhân văn sâu sắc. Tác giả cũng thừa nhận: “Sự hài hước của tôi có màu đen, bởi thực tế phía sau nó là nỗi buồn”. Thật vậy, với nét châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thúy, hình ảnh trong tranh thực sự khiến người xem “cười ra nước mắt” và dư âm còn ám ảnh sau đó thật lâu. Bộ tranh đã gửi tới chúng ta một thông điệp “nhỏ mà không nhỏ”: Hãy chấm dứt sự thờ ơ và quan tâm hơn nữa đến thế giới mà mình đang sống.
Thời gian vẫn cứ trôi khi chúng ta ngồi yên một chỗ.