Trung Quốc tỏ ra dè dặt trước đề xuất thảo luận về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước Asean.
Đại diện các nước Asean và một số nước lớn đang họp tại Phnom Penh
Hôm 9/7 khối các nước Đông Nam Á đã thống nhất với nhau các nguyên tắc cơ bản của COC, văn bản mà Asean trông đợi sẽ thay thế cho Tuyên bố chung về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà khối này đã ký với Trung Quốc từ năm 2002.
Asean muốn mang văn bản này ra thảo luận với Trung Quốc, nhằm tiến tới ký kết giữa hai bên vào tháng 11 tới với hy vọng sẽ có một bộ quy tắc chặt chẽ để dàn xếp các bất đồng có thể nảy sinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên tới thứ Tư 11/7, Trung Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh nói các ngoại trưởng Asean đã đề xuất với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc họp Asean+3 ở Phnom Penh trong ngày về việc mở thảo luận.
Thế nhưng, theo bà Phó, ông Dương Khiết Trì sẽ chỉ cân nhắc đề xuất thảo luận nếu "điều kiện đã chín muồi".
Bà thứ trưởng không bình luận thêm theo phía Trung Quốc thế nào là thời điểm "chín muồi".
Văn bản 'không răng'
Bà Phó Oánh nói bên lề hội nghị ở thủ đô Campuchia:
"Một số ngoại trưởng Asean có hỏi là liệu chúng ta có thể cùng thảo luận chi tiết của bản Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hay không".
"Về câu hỏi đó, Trung Quốc sẽ xem xét một cách nghiêm túc và hoàn tất văn bản sau khi tất cả các điều kiện của Trung Quốc và các nước Asean đã được chốt lại."
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa trong khi đó nói thảo luận Trung Quốc-Asean về COC vẫn chưa được chính thức thống nhất.
Về văn bản COC mà các nước Asean đã đồng ý với nhau, cũng còn nhiều ý kiến trái chiều.
Hãng tin AFP, có trong tay một phiên bản, cho hay dự thảo COC kêu gọi các bên "giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS)".
Một số nhà quan sát có điều kiện đọc qua tài liệu này cho rằng nó không phải là một bước tiến từ DOC như trông đợi và thực chất vẫn chỉ là một văn bản "không có răng", hàm chỉ không có tính ràng buộc chặt chẽ về pháp lý.
Hôm thứ Hai 9/11, Trung Quốc đã khẳng định trong tương lai COC "không thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Lưu Vi Dân nói tại Bắc Kinh:
"Quy tắc Ứng xử không thể nhằm giải quyết tranh chấp, mà nhằm xây dựng lòng tin chung và tăng cường hợp tác."
Diễn đàn an ninh khu vực ARF với sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ họp vào thứ Năm 12/7, trong đó căng thẳng ở Biển Đông được trông đợi sẽ nằm cao trên bàn nghị sự.
Theo bbc