Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương FIP, tổ chức tại quần đảo Cook. Khai mạc vào ngày mai, 27/08/2012, Diễn đàn FIP tập hợp 16 quốc gia và lãnh thổ trong đó có Úc và New Zealand.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton./REUTERS/Molly Riley/Files
Theo các nhà phân tích, do không có trọng lượng chiến lược, các đảo quốc nhỏ Nam Thái Bình Dương đã không được ngành ngoại giao Hoa Kỳ chiếu cố nhiều trong thời gian qua. Vì vậy chuyến công du của bà Clinton đến quần đảo Cook - một nước 11.000 dân với diện tích gộp lại của 15 hòn đảo không bằng diện tích của thành phố Washington - đã thu hút sự chú ý. Sự hiện diện của bà Clinton ở Hội nghị thượng đỉnh FIP lần này được xem như là một thông điệp nhắm vào Trung Quốc.
Theo chuyên gia Michael Powles, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Wellington (New Zealand), Hoa Kỳ đột nhiên quan tâm nhiều hơn tới vùng Nam Thái Bình Dương sau khi hầu như phớt lờ khu vực này, trong lúc mà Trung Quốc đầu tư vào đây từ khá lâu.
Bà Annmaree O’Keeffee, chuyên gia của viện Lowy tại Úc, nhắc lại rằng mối quan tâm của Washington đến các đảo nhỏ Thái Bình Dương này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn về Châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.
Trong khi giảm hoạt động can thiệp vào Irak và Afghanistan, Hoa Kỳ định hướng lại chiến lược quân sự, quay sang khu vực được xem là cỗ máy chủ yếu thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ cũng đã làm Trung Quốc khó chiụ với một số động thái như triển khai 2.500 lính Thủy quân Lục chiến ở miền Bắc Úc, tăng cường hạm đội ở Thái Bình Dương.
Theo bà Annmaree O’Keeffee, việc bà Clinton tham dự hội nghị FIP ở quần đảo Cook, chỉ là sự kiện thứ yếu trong chiến lược chung của Mỹ, nhưng mục tiêu quan trọng là cho thấy rằng kể cả tại những nơi hẻo lánh nhất của vùng Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có mặt.
Bà O’Keeffee nhận xét : “Trong một hội nghị như vậy, tất cả các tác nhân đều tập hợp tại một địa điểm. Nếu muốn tôn tạo lại hình ảnh và khôi phục ảnh hưởng của mình, thì việc tham dự rất quan trọng.”
Theo giới quan sát nếu Mỹ hiện diện nhiều tại khu vực Bắc và Trung Thái Bình Dương, thì họ hầu như vắng mặt hẳn tại vùng phía Nam, trong khi mà Trung Quốc ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn, sử dụng lá bài tài chính.
Từ năm 2005, Bắc Kinh đã cấp khoảng 600 triệu đô la tín dụng cho các đảo như Tonga, Samoa, Cook với những điều kiện rất hấp dẫn và thời hạn rất dài. Hoa Kỳ gần đây thì chỉ mới thông báo tham gia khoảng 20 triệu đô la vào một chương trình bảo vệ môi sinh ở Nam Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Michael Powles, thật ra Trung Quốc không mấy e ngại hành động ngoại giao của Mỹ trong vùng, mà lo ngại nhiều hơn về mục tiêu quân sự của Mỹ. Bắc Kinh sợ rằng các đảo quốc này đi theo phương Tây, dưới sự dẫn dắt của Hoa Kỳ.