(Dân Việt) - Những thông tin từ các bác sĩ Nga đã mang lại hy vọng tràn trề cho những cô gái bất hạnh ở Ấn Độ đã nhiều năm phải sống tủi nhục vì căn bệnh Hypertrichosis (mà dân gian gọi là người sói).
Chị em nhà Routh ra đời tại thị trấn nhỏ Sangli, bang Maharashtra, Ấn Độ. Từ thời thơ ấu, họ luôn bị người khác tò mò chú ý và chịu nhiều đau khổ từ chuyện khuôn mặt và thân hình phủ đầy lông lá. Ngày 12.9 vừa qua, họ đã có cơ hội được đến Nga để chữa trị. Savita Routh, Monisha Routh và Savitri Routh (ảnh) đến Nga cùng với mẹ và nhân viên xã hội Chetloy Mansour.
Chetloy Mansour nghe câu chuyện về sự bất hạnh của các cô gái gia đình Rauth từ người bạn của mình là nhà báo và quyết định giúp đỡ các cô gái tìm cơ hội có được hạnh phúc của người phụ nữ. Do có ngoại hình bất thường, mấy chị em thường bị xã hội loại trừ, hàng xóm trêu cười, ở trường thì các bạn không muốn kết thân, trên đường phố Sangli quê hương họ thậm chí có thể bị ném đá.
Số người trên thế giới mắc bệnh như chị em Rauth là rất ít, lịch sử quan sát y tế ghi nhận khoảng 300 trường hợp. Hiện nay, trên trái đất có 54 người mắc bệnh này. Các đợt điều trị đầu tiên đã được các bác sĩ Nga thực hiện, và các cô gái xuất hiện ở Mátxcơva trong diện mạo mới, rất hạnh phúc, tươi cười và rạng rỡ.
Chia tay, các bác sĩ bắt bệnh nhân cam đoan là họ sẽ tiếp tục trị liệu tại Ấn Độ, là nơi sử dụng thành công thiết bị tương tự. Như vậy, con đường đến với nhan sắc của các cô gái là thông qua các đợt thẩm mỹ trị liệu, chứ không phải qua phương pháp điều trị phức tạp như họ nghĩ ban đầu.
Họ chỉ được biết đến điều này ở Mátxcơva, sau khi đã thực hiện đợt xét nghiệm toàn diện tại bệnh viện Nga. Giám đốc Bệnh viện Mátxcơva - tiến sĩ Natalia Gaidash cho biết, các cô gái đã chịu đau một cách gan dạ khi tẩy lông bằng laser: “Vấn đề ở đây là di truyền, chứ không phải nội tiết hoặc da liễu. Các cô gái đã cố gắng chịu đựng. Tất nhiên, vấn đề rắc rối này đã cản trở họ thích ứng với xã hội và sống một cuộc sống đầy đủ. Đáng tiếc là di truyền học hiện đại chưa tiến bộ tới mức mà bác sĩ có thể can thiệp vào mã di truyền của con người”.
Hạ Anh - DânViệt